Crystal To lược dịch
Trong thế giới công nghệ, chúng ta thường dựa vào Định luật Moore 12 để giải thích cho sự thay đổi đang liên tục gia tăng, hệt như cách những thay đổi về sinh học cứ nối tiếp nhau trong thuyết tiến hóa Darwin. Nhưng đó không phải là cách mà sự tiến hóa mang tính cách mạng diễn ra.
Năm 1972, công trình có tính trụ cột của Darwin về thuyết tiến hóa đã được diễn giải lại một cách thành công trước thách thức đến từ sự gián đoạn của mẫu hóa thạch. Nhà sinh vật học tiến hóa và nhà cổ sinh vật học Stephen Jay Gould đã công bố lý thuyết tiến hóa mới của mình trong bài báo Trạng thái cân bằng ngắt quãng. Trạng thái cân bằng ngắt quãng cho rằng bản thân sự thiếu hụt của các mẫu hoá thạch cũng chính là dữ liệu, báo hiệu sự đột biến về quá trình tiến hóa thay vì là sự biến đổi dần dần và liên tục. Cũng theo Gould, thay đổi là ngoại lệ. Các loài tồn tại ở trạng thái cân bằng qua hàng ngàn thế hệ, sự thay đổi diễn ra rất ít trong bối cảnh chung của vạn vật. Trạng thái cân bằng này bị ngắt quãng bởi sự bùng nổ nhanh chóng về tính đa dạng sinh học, dẫn đến vô số loài mới được hình thành mà sau đó lại tồn tại ổn định trong một chuẩn mực mới.
Chỉ riêng trong một triệu năm qua, trung bình cứ sau 100.000 năm, thế giới lại trải qua một thời kỳ ngắt quãng có tính đột phá trong quá trình tiến hóa.13 Như vậy trong khoảng thời gian 1 triệu năm đó, trái đất đã chứng kiến 10 lần ngắt quãng. Rõ ràng là số lượng các đợt ngắt quãng mang tính đột phá có chiều hướng gia tăng và thời gian ổn định giữa chúng bị rút ngắn lại. Xu thế tương tự cũng được thể hiện khá rõ đối với sự phát triển của công nghiệp, công nghệ và xã hội.
Sự hình thành “loài mới” diễn ra trong các ngành công nghiệp như thế nào?
Hãy xem ngành viễn thông. Nhờ Samuel Morse, máy điện báo đã tạo ra cuộc cách mạng trong liên lạc đường dài vào những năm 1830. Bốn mươi lăm năm sau, Alexander Graham Bell đã tạo ra đột phá trong lĩnh vực này khi giới thiệu chiếc điện thoại đầu tiên. Phải mất đến 40 năm thì cuộc gọi xuyên lục địa đầu tiên từ thành phố New York đến San Francisco mới được thực hiện. Và mất thêm 40 năm nữa mới xuất hiện thiết bị viễn thông không dây đầu tiên là máy nhắn tin. Nhưng chỉ 25 năm sau đó, máy nhắn tin và điện thoại cố định lại bị thay thế hàng loạt bởi sự ra đời của những chiếc điện thoại di động đầu tiên. Sự ra đời của mạng không dây tốc độ cao, cùng với sự gia tăng về hiệu suất xử lý của máy tính và phát minh liên quan đến màn hình cảm ứng đã mở ra thời kỳ của những chiếc “điện thoại kết nối mạng” đầu tiên và sau đó là hàng tỷ điện thoại thông minh ra đời, bắt đầu từ năm 2000,14. Chúng ta nhìn thấy sự “hình thành loài” trong kinh tế từ Motorola, Nokia, và RIM (nhà sản xuất của BlackBerry), mỗi thương hiệu này đều thống trị thị trường trong một khoảng thời gian nhất định. Và ngành điện thoại di động đến lượt nó lại bị xáo trộn khi Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007. Trong thập kỷ tiếp theo, trạng thái ổn định của ngành điện thoại di động được hình thành khi Samsung, Hua-wei và Oppo tung ra một loạt các sản phẩm tương tự như iPhone. Ngày nay, ngành công nghiệp viễn thông bị chi phối bởi hơn 2,5 tỷ người dùng điện thoại thông minh.15 Và mọi thứ mới chỉ diễn ra trong vòng 20 năm!
Ngành công nghiệp giải trí số đã chứng kiến các giai đoạn ngắt quãng tăng tốc tương tự do chịu tác động của công nghệ và các xu hướng xã hội. Rạp chiếu phim đầu tiên trên thế giới, Nickelodeon, mở cửa vào năm 1905, độc quyền chiếu các hình ảnh chuyển động với giá bằng một niken (đây là lý do vì sao nó được gọi là Nickelodeon). Năm mươi năm sau, truyền hình tại nhà đã làm gián đoạn công việc kinh doanh của hệ thống rạp chiếu phim. Băng VHS thống trị thị trường trong khoảng 20 năm cho đến khi DVD lại biến nó thành một thứ đồ cổ. Giờ đây, DVD và những sản phẩm tiến hóa sau đó của nó, như đĩa Blu-ray, cũng đã biến mất trên thị trường. Sự hội tụ của điện thoại di động, máy tính cá nhân và Internet – với các dịch vụ phát video trực tuyến hàng đầu như Netflix, Hulu và Amazon – đã dẫn đến một sự bùng nổ về nội dung chuyên nghiệp lẫn phổ thông và thói quen xem một mạch các series phim đang định hình lại thế giới giải trí video.16 Sắp đặt những thay đổi này trong một ngành đã phát triển ổn định cũng thú vị và phức tạp như việc phát minh ra công nghệ mới vậy.
Sự gián đoạn trong ngành vận tải hành khách đã kéo theo sự tiến hóa mạnh mẽ ngay bên trong ngành này. Sau khi những chiếc ô tô đầu tiên thay thế phương tiện dùng sức người và động vật, hình dáng của ô tô đã ổn định đáng kể, mặc dù gần như mọi thứ dưới mui xe đã thay đổi. Nghe rất quen đúng không? Giống như Vụ nổ kỷ Cambri cũng đã đặt nền móng cho cấu trúc cơ bản của mọi sự sống ngày nay, những chiếc ô tô đầu tiên cũng định hình ra hình dáng cơ bản của tất cả các dòng xe tiếp theo. Bất cứ sự thay thế nào diễn ra, bên trong xe hoặc dưới mui xe, đều cung cấp chức năng tương tự hoặc tốt hơn với hiệu suất cao hơn. Chẳng hạn, động cơ hơi nước đã được thay thế bằng động cơ xăng vào đầu thế kỷ 20 vì nó nhẹ và hiệu quả hơn, và gas thì rẻ, dồi dào và luôn sẵn có.17 Bắt chấp việc gas là loại nhiên liệu luôn tiềm ẩn rủi ro cháy và có tính độc hại, nó vẫn rất đáng dùng. Chúng ta lại thấy có cái gì đó quen thuộc? Như cách Sự kiện Thảm sát ôxy tác động đến sự sống, cuộc cách mạng năng lượng này cho phép ô tô chạy nhanh và xa hơn, đồng thời vận hành mạnh mẽ hơn. Sau một giai đoạn cân bằng, sự xuất hiện đồng thời của xe điện như Tesla; dịch vụ chia sẻ chuyến đi như Uber và Lyft; và công nghệ xe tự trị như Waymo hiện đang gây ra những xáo trộn trong ngành vận tải hành khách. Rồi cuối cùng nó cũng sẽ lại thiết lập một thế cân bằng mới.
Thế giới kinh doanh đang trải qua sự cân bằng ngắt quãng
Bằng chứng về một giai đoạn ngắt quãng của sự tiến hoá trong kinh doanh: chúng ta đang chứng kiến sự tuyệt chủng hàng loạt trong thế giới doanh nghiệp vào những thập niên đầu của thế kỷ 21. Từ năm 2000, 52% trong số 500 công ty Fortune đã bị mua lại, sáp nhập hoặc phá sản. Người ta ước tính rằng 40% các công ty tồn tại ngày hôm nay sẽ đóng cửa trong 10 năm tới. Trong giai đoạn tuyệt chủng này, chúng ta đang chứng kiến hằng hà sa số các công ty sáng tạo, sở hữu hệ gen hoàn toàn mới như Lyft, Google, Zelle, Square, Airbnb, Amazon, Twilio, Shopify, Zappos và Axios.
Nếu chỉ chạy theo xu hướng thay đổi thôi thì chưa đủ. Giống như các sinh vật phải đối mặt với Sự kiện Thảm sát ôxy, các tổ chức cần phải làm mới cách họ tương tác với một thế giới đang thay đổi không ngừng. Họ phải biết được khi nào thì mô hình hiện tại sẽ phát triển hay tự kết thúc. Họ phải tạo ra các quá trình sáng tạo và tận dụng được những nguồn tài nguyên dồi dào sẵn có. Họ phải chuẩn bị cho mọi tình huống bất ổn trong tương lai bằng cách xây dựng các hệ thống với những cấu phần có thể hoán đổi được cho nhau: sản xuất nhanh hơn, mở rộng quy mô nhanh hơn, làm việc nhanh hơn. Họ phải xây dựng được một cái gì đó có khả năng tạo lợi thế sinh tồn rõ ràng để sống sót và bước vào giai đoạn ổn định và thịnh vượng mới.
Chuyển đổi số hay là chết
Sự tuyệt chủng hàng loạt và sự hình thành các loài sau đó diễn ra như một lẽ tự nhiên. Trong thế giới kinh doanh, tôi tin rằng căn nguyên chính là “chuyển đổi số”. Các ngành công nghiệp đối mặt với làn sóng chuyển đổi số được dự đoán cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự mà sự sống trên trái đất đã đối mặt trong Sự kiện Thảm sát ôxy, nghĩa là đa dạng hóa-hay là-chết. Trong khi nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số đang thúc đẩy ngành của họ phát triển và vượt ra khỏi đại dương thì nhiều doanh nghiệp khác lại bị cuốn vào cuộc đua để hoặc là học lại cách thở hoặc bị tuyệt chủng.
Đến thời điểm hiện tại, có thể kết luận rằng bản chất của chuyển đổi số là sự hội tụ của bốn loại công nghệ đột phá gồm công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Được hỗ trợ bởi điện toán đám mây, một thế hệ mới của trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng rộng rãi vào các bài toán thực tế với kết quả đáng kinh ngạc. Và chúng ta thấy IoT ở khắp mọi nơi – kết nối thiết bị trong chuỗi giá trị ở các ngành khác nhau, trên toàn hệ thống cơ sở hạ tầng và tạo ra hàng terabyte dữ liệu mỗi ngày.
Tuy nhiên, ngày nay, rất ít tổ chức có đủ tri thức chuyên môn để quản lý, chứ đừng nói đến khai thác giá trị từ các nguồn dữ liệu dồi dào. Dữ liệu lớn đang xâm nhập vào tất cả các khía cạnh kinh doanh, giải trí và xã hội. Các doanh nghiệp hiện phải đối mặt với cuộc cách mạng ôxy hóa của riêng họ: Cuộc cách mạng Dữ liệu lớn. Giống như ôxy, dữ liệu lớn là một nguồn tài nguyên quan trọng với một sức mạnh vừa khiến ngộp thở nhưng cũng vừa tạo ra cách mạng. Trong Sự kiện Thảm sát ôxy, các loài bắt đầu tạo ra kênh dẫn thông tin mới, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và làm trung gian cho các liên lạc trước đó chưa được biết tới, chuyển hoá ôxy từ một tế bào chết rụng thành nguồn sống. Dữ liệu lớn và AI, cùng với điện toán đám mây và IoT, hứa hẹn sẽ biến đổi môi trường kỹ thuật với cùng một cấp độ tương tự.
Lịch sử sự sống cho thấy những loài đã hình thành mà sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào các quá trình vận hành hoàn hảo, được chứng minh là đúng sẽ không chấp nhận sai lầm và có chiều hướng chống lại cái mới. Những loài chỉ có khả năng sử dụng một lượng tài nguyên hữu hạn có nguy cơ bị tước đi tài nguyên khi thế giới xung quanh thay đổi. Tương tự như vậy, những loài thử sử dụng các tài nguyên mới mà không có kiến thức, công cụ hoặc không có đủ quyết tâm để khai thác tài nguyên mới cũng sẽ thất bại. Doanh nghiệp nào tồn tại qua giai đoạn ngắt quãng này sẽ thực sự được chuyển đổi số. Họ sẽ định nghĩa lại hoàn toàn mối liên hệ giữa xã hội, công nghệ và nền công nghiệp. Sự đa dạng trong đổi mới sáng tạo cũng sẽ phi thường như hô hấp hiếu khí, vụ nổ kỷ Cambri, và cuộc đua của loài người.
Khó có thể dự đoán được những đổi mới sáng tạo đó sẽ diễn ra như thế nào khi sắp kết thúc một giai đoạn ngắt quãng trong tiến hóa như kiểu chuyển đổi số. Đó là quá trình kiên định về đổi mới nhanh chóng, học tập không ngừng thông qua các trải nghiệm và lặp lại, mà sau đó nó sẽ làm nên điều khác biệt giữa sự tồn tại hùng mạnh và sự tuyệt chủng tất yếu. Doanh nghiệp nào tìm ra phương thức hấp thụ dữ liệu lớn bằng cách khai thác công nghệ đám mây, AI và IoT, sẽ được xếp vào nhóm “sinh vật tổ chức” tiếp theo thoát ra khỏi “đại dương dữ liệu” và trở thành người cai quản lãnh địa số.
Nguồn: Digital Transformation: Survive and Thrive in an era of mass extinction (Thomas Siebel, 2018)