Khái niệm “Quản trị tri thức”, gọi tắt là QTTT (viết tắt trong tiếng Anh là KM – knowledge management) ngày nay đã trở thành một cụm từ phổ biến trên thế giới như là một phương thức quản trị tiên tiến giúp doanh nghiệp không ngừng tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh. Grant (1996) cho rằng tri thức chính là nguồn lực có tầm quan trọng chiến lược nhất mà tổ chức đang sở hữu. Kogut và Zander (1992) lập luận rằng năng lực động của tổ chức trong việc kết hợp tri thức bên trong và bên ngoài tổ chức là nguyên nhân tạo ra đổi mới sáng tạo của tổ chức. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay thì khả năng thu thập, xử lý và khai thác thông tin nhanh và hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh chính là cách mà doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thương trường.
Nonaka và cộng sự (1994) là những học giả đầu tiên đề cập đến khái niệm “Quản trị dựa vào tri thức”, xuất phát từ việc quan sát và phân tích cách thức các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển thành công nhờ vào quá trình thúc đẩy sáng tạo tri thức trong mọi hoạt động của tổ chức. Trong suốt ba thập kỷ qua, QTTT đã trở thành một chủ đề nghiên cứu thu hút sự quan tâm của đông đảo các học giả quốc tế và được đưa vào nội dung giảng dạy tại các trường kinh doanh hàng đầu thế giới như Havard, Stanford, MIT.
Tại các nước có trình độ phát triển cao trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…quản trị tri thức không chỉ thu hút sự quan tâm nghiên cứu chuyên sâu của đông đảo giới học giả tại những quốc gia này mà ở góc độ thực tiễn, đã được áp dụng một cách toàn diện, bài bản tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. Sự thành công của các tập đoàn như Honda, Toyota, Sony (Nhật Bản), Samsung, LG (Hàn quốc), HTC (Đài loan) có sự góp phần không nhỏ của việc ứng dụng QTTT trong các tập đoàn này để sáng tạo tri thức và tạo ra các sản phẩm dẫn đầu thị trường.
Ở Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp thành công nhờ vào việc đầu tư phát triển tài sản tri thức của doanh nghiệp là chưa nhiều, tuy nhiên có thể kể ra các doanh nghiệp tiêu biểu như: FPT, Viettel, Bkav trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Vinamilk, TH Truemilk, Trung Nguyên trong lĩnh vực thực phẩm, KOVA trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, hay Bóng đèn phích nước Rạng đông trong lĩnh vực sản xuất thiết bị chiếu sáng.
Nguồn: Phạm Anh Tuấn (2016), Luận án Tiến sĩ Quản trị kinh doanh, ĐHQGHN