Chuỗi cung ứng là trái tim của vận hành doanh nghiệp. Để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất, cấp quản lý cần truy cập được dữ liệu theo thời gian thực từ chuỗi cung ứng, nhưng những giới hạn của mô hình công nghệ kế thừa có thể làm cản trở sự minh bạch từ điểm đầu đến điểm cuối. Tuy nhiên, thời đại đó rất có thể sẽ chỉ còn là quá khứ. Rất nhiều công nghệ số mới với nhiều tiềm năng thay thế mô hình quản lý chuỗi cung ứng đang làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành truyền thống. Trong vòng 5-10 năm tới, chức năng trong chuỗi cung ứng có thể trở thành lỗi thời và được thay thế bởi 1 công cụ có khả năng tự điều chỉnh, vận hành mượt mà và quản lý tối ưu quy trình vận hành từ điểm đầu tới điểm cuối, lại đòi hỏi rất ít sự can thiệp của con người.
Với nền tảng số chắc chắn, doanh nghiệp có thể nắm bắt, phân tích, tích hợp, truy cập dễ dàng và thông dịch được dữ liệu chất lượng cao, theo thời gian thực – dữ liệu này là nhiên liệu cho tự động hoá quá trình, phân tích dự đoán, trí tuệ nhân tạo & robot – là những công nghệ sẽ sớm thay thế quản lý chuỗi cung ứng.
Các thương hiệu dẫn đầu đã & đang khám phá những tiềm năng khả thi. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng robot hay trí tuệ nhân tạo để số hoá và tự động hoá những vị trí lao động khó khăn, những đầu việc lặp đi lặp lại và những quy trình như thu mua, lập hoá đơn, tài khoản thanh toán, và một phần của chăm sóc khách hàng. Phân tích dự đoán đang giúp các doanh nghiệp cải thiện được dự báo nhu cầu, từ đó giảm thiểu hoặc kiểm soát biến động tốt hơn, tận dụng tài nguyên và cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn với chi phí tối ưu.
Các cảm biến dữ liệu trên máy móc sử dụng và bảo trì đang giúp một số nhà sản xuất ước đoán tốt hơn khi nào máy móc sẽ có sự cố, do đó thời gian đình trệ được giảm thiểu.
Blockchains đang bắt đầu cách mạng hóa phương thức phối hợp của nhiều thành phần bên trong các mạng lưới cung ứng linh hoạt. Robot đang cải thiện năng suất và lợi nhuận trong kho vận và xưởng đóng gói/hoàn tất thành phẩm của ngành bán lẻ. Giao hàng bằng máy bay không người lái, hay phương tiện giao thông tự lái không còn quá xa vời. Rio Tinto, công ty khai thác khoáng sản và kim loại toàn cầu, đang khám phá cách thức các công nghệ kỹ thuật số có thể tự động hóa các hoạt động khai thác từ-mỏ-đến-cảng. Sử dụng xe lửa không người lái, robot vận hành, máy ảnh, laser và cảm biến theo dõi, công ty sẽ có thể quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng từ xa – đồng thời cải thiện sự an toàn và giảm nhu cầu nhân lực ở các địa điểm xa.
Một khái niệm quan trọng mà nhiều công ty trong số này đang khám phá là “tháp điều khiển kỹ thuật số” (Digital Tower) – một trung tâm ra quyết định ảo cung cấp khả năng hiển thị thời gian thực, từ đầu đến cuối trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với một số ít các công ty bán lẻ hàng đầu, tháp điều khiển đã trở thành trung tâm đầu não trong vận hành của họ. Một “tháp” điển hình thực sự là một phòng vật lý với đội ngũ các nhà phân tích dữ liệu làm việc toàn thời gian, 24/7, giám sát một bức tường các màn hình độ phân giải cao. Các màn hình cung cấp thông tin thời gian thực và đồ họa 3D trên mỗi bước của chuỗi cung ứng, từ đặt hàng đến giao hàng. Cảnh báo trực quan về sự thiếu hụt hàng tồn kho hoặc xử lý các tắc nghẽn trước khi chúng xảy ra, để các đội trên tuyến đầu có thể xử lý/khắc phục nhanh chóng trước khi các vấn đề tiềm ẩn trở thành vấn đề thực tế. Dữ liệu thời gian thực, độ chính xác không thể nghi ngờ, không ngừng tập trung vào khách hàng, quy trình xuất sắc và tinh thần dẫn dắt phân tích làm nền tảng cho hoạt động của tháp điều khiển của các hoạt động bán lẻ này.
Các công ty công nghiệp cũng đang nắm bắt lấy khái niệm này. Mạng lưới phức tạp của một nhà sản xuất vận chuyển hơn một triệu bộ phận và linh kiện mỗi ngày. Tháp điều khiển đánh dấu các vấn đề tiềm ẩn trong cung cấp khi chúng phát sinh, tính toán các hệ luỵ của vấn đề, sau đó hoặc là tự động sửa lỗi bằng các hành vi được thiết lập trước hoặc dán nhãn thông báo cho nhóm xử lý sự cố leo thang. Tương tự, một công ty thép đã xây dựng một công cụ lên kế hoạch cho các tình huống tùy biến cho nền tảng tháp điều khiển của mình để tăng khả năng đáp ứng và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Công cụ này mô phỏng cách các sự cố thiết bị lớn bất ngờ xảy ra – được gọi là các “Big Hits” – sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và chỉ ra các hành động giảm thiểu rủi ro tốt nhất.
Ý nghĩa của việc chuyển đổi kỹ năng
Xu hướng rất rõ ràng: Công nghệ đang thay thế con người trong quản lý chuỗi cung ứng – và nó đang có hiệu quả hơn. Không khó để tưởng tượng một tương lai trong đó các quy trình tự động, quản trị dữ liệu, phân tích nâng cao, cảm biến, robot, trí tuệ nhân tạo và vòng lặp học tập liên tục sẽ giảm thiểu nhu cầu về nhân lực lao động. Nhưng một khi việc lập kế hoạch, thu mua, sản xuất, thực hiện đơn hàng và hậu cần phần lớn được tự động hóa, thì còn lại gì cho các chuyên gia chuỗi cung ứng?
Trước mắt, các giám đốc điều hành chuỗi cung ứng sẽ cần chuyển trọng tâm từ quản lý những người thực hiện các nhiệm vụ giao dịch và lặp đi lặp lại, sang thiết kế và quản lý các luồng thông tin và vật chất với một nhóm giới hạn các nhân viên chuyên môn cao. Trong thời gian tới, các nhà phân tích chuỗi cung ứng có khả năng phân tích dữ liệu, cấu trúc và xác thực các bộ dữ liệu, sử dụng các công cụ và thuật toán kỹ thuật số và dự báo hiệu quả sẽ nhận được nhu cầu tuyển dụng cao.
Nhìn xa hơn, sẽ cần một số chuyên gia để thiết kế một động cơ chuỗi cung ứng dựa trên công nghệ, hỗ trợ liền mạch cho những chiến lược, yêu cầu và ưu tiên luôn thay đổi của doanh nghiệp. Để giữ cho động cơ đó hoạt động, một số lượng nhỏ nhân sự phải được tuyển dụng hoặc đào tạo các kỹ năng mới tại giao điểm của vận hành và công nghệ. Vì các kỹ năng cần thiết cho các vai trò mới này không thực sự có sẵn hiện nay, thách thức lớn nhất đối với các công ty sẽ là tạo ra tầm nhìn chuỗi cung ứng cho tương lai – và chiến lược để lấp đầy những vai trò quan trọng đó.
Rõ ràng, “cái chết” của quản lý chuỗi cung ứng như chúng ta đang biết nó, chỉ còn là vấn đề nay mai. Các nhà quản lý và các công ty đang nỗ lực để cập nhật kỹ năng và quy trình của họ ngày hôm nay sẽ là những người vươn lên dẫn đầu.
Các tác giả:
Allan Lyall: là một chuyên gia về chuỗi cung ứng và bán lẻ. Ông từng là Phó Giám đốc điều hành khu vực Châu Âu của Amazon trong hơn 12 năm và cũng đã giữ các vai trò điều hành khác tại Apple và Tesco.
Pierre Mercier: là một đối tác cao cấp và giám đốc quản lý tại Tập đoàn tư vấn Boston (BCG). Ông chuyên về quản lý chuỗi cung ứng và ngành bán lẻ. Trước khi gia nhập BCG, ông đã làm việc tại Tập đoàn Mitchell Madison và Công ty tư vấn Deloitte.
Stefan Gstettner: là phó giám đốc của Tập đoàn tư vấn Boston. Ông từng có sáu năm làm COO của một nhà bán lẻ hàng tiêu dùng và điều hành một mạng lưới chuyên gia chuỗi cung ứng. Lĩnh vực tập trung hiện tại của ông là chuyển đổi chuỗi cung ứng kỹ thuật số.
Dịch bởi: IPI TECHNOLOGY SOLUTIONS – Team nRMS – Kiên Nguyễn