Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang được hưởng ứng triển khai mạnh mẽ trên thế giới với những đột phá về công nghệ số trên mọi mặt của xã hội, mỗi quốc gia đều đang hoạch định những chính sách, chiến lược của riêng mình để có thể gặt hái thành quả trong công cuộc chuyển đổi số. Theo tạp chí Forbes, trong các nước khu vực Đông Nam Á, Malaysia được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong hơn hai thập kỷ vào năm 2022 và là một trường hợp ngoại lệ có nền kinh tế trụ vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái[1]. Lý giải về trường hợp này, các chuyên gia cho biết nền kinh tế số và những thành tựu số hoá là những nguyên nhân quan trọng giúp Malaysia duy trì mức tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, lĩnh vực Công nghệ Thông tin đang được Chính phủ Malaysia tập trung đầu tư và đang trên đà phát triển ổn định, trở thành ngành đóng góp lớn thứ ba vào GDP của nước này. Trong suốt hành trình 28 năm từ tin học hóa, tới số hòa và giờ là chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số bền vững, Malaysia đã đưa ra những chính sách, chiến lược, kế hoạch cụ thể để từng bước đạt mục tiêu và đây đều là những kinh nghiệm bài học quý giá để Việt Nam có thể nghiên cứu và phát triển chiến lược chuyển đổi số cho riêng mình.
I, Tổng quan hành trình chuyển đổi số ở Malaysia
Chính sách về Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Malaysia từ 1996 – 2019
(Nguồn: Malaysia Digital Economy Blueprint)
Hành trình số hóa và xây dựng nền kinh tế số tại Malaysia được chia thành hai giai đoạn chính: giai đoạn đầu (1996-2013) tập trung phát triển công nghệ thông tin và Siêu Hành lang Đa phương tiện (MSC); giai đoạn hai (2016-2021) đẩy mạnh phát triển Công nghiệp 4.0 và xây dựng nền kinh tế số. Cụ thể, từ năm 1996, Malaysia bắt đầu tập trung vào công cuộc chuyển đổi kinh tế số dựa trên kế hoạch 5 năm giai đoạn 1996-2000, hay còn gọi là “Kế hoạch Malaysia thứ 7” (7MP). Trong giai đoạn đầu, Chính phủ cũng như các cơ quan, đơn vị chức năng ở Malaysia đặt ra mục tiêu chính là tập trung phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, và Siêu Hành lang Đa phương tiện (MSC). Chương trình Siêu Hành lang Đa phương tiện (MSC) đã đánh dấu bước đầu tiên trên hành trình chuyển đổi kinh tế số ở Malaysia khi thành lập một đặc khu kinh tế trải dài trên 750 km2 từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur đến trung tâm thành phố. Toạ lạc ở Cyberjaja – phía Nam thủ đô Kuala Lumpur, MSC được lập ra nhằm nhập khẩu những lao động tri thức và đầu tư vào công nghệ thông tin và lĩnh vực dịch vụ. Tính đến năm 2004, dự án MSC đã có những thành quả nhất định khi thu hút hơn 1.000 công ty, tạo ra gần 20.000 việc làm và một ngành công nghiệp dựa trên phần mềm trị giá 1,71 tỉ USD kể từ khi bắt đầu vào năm 1996[1]. Tuy nhiên, từ sau “Kế hoạch Malaysia thứ 8” (2001-2005) và “Kế hoạch Malaysia thứ 9” (2005-2010), Siêu Hành lang Đa phương tiện (MSC) không còn là chiến lược trọng tâm về chuyển đổi số ở Malaysia do hiệu quả không như mong đợi[2].
Đến năm 2010, chính sách Băng thông rộng Quốc gia (The National Broadband Initiative) của Malaysia được giới thiệu và triển khai nhằm thúc đẩy việc sử dụng internet ở Malaysia thông qua việc cung cấp Internet tốc độ cao và giá cả phải chăng cho người dân nước này, đặc biệt chú trọng đến các khu vực nông thôn, trẻ em và người nghèo. Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia cũng thể hiện quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin khi chính thức ban hành Chính sách quốc gia về Khoa học, Công nghệ, và Sáng tạo đổi mới (National Policy on Science, Technology & Innovation – NPSTI) kéo dài từ năm 2013 đến năm 2020. Trong khuôn khổ chính sách NPSTI, Chính phủ Malaysia tập trung triển khai sáu chiến lược chính: Thúc đẩy nghiên cứu – phát triển khoa học & xã hội, thương mại hoá; Đổi mới các ngành công nghiệp; Cải cách quản trị STI; Phát triển và bồi dưỡng tài năng; Thúc đẩy & phổ cập về STI; Củng cố quan hệ đối tác chiến lược quốc tế. Mỗi chiến lược đều được đặt ra những mục tiêu cụ thể. Ví dụ, nhằm thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học & xã hội, Chính phủ Malaysia thu hẹp phạm vi nghiên cứu và ưu tiên những lĩnh vực kinh tế trọng điểm như đa dạng sinh học, an ninh mạng, an ninh năng lượng, giao thông & đô thị hoá, hay y tế và chăm sóc sức khoẻ. Để phát triển những lĩnh vực trên, Chính phủ đặt ra những nhiệm vụ như tăng tổng chi tiêu nội vụ về nghiên cứu & phát triển lên ít nhất 2% tổng GDP năm 2020; cải thiện dịch vụ STI; hay tăng cường tài trợ cho việc nghiên cứu, phát triển, thương mai hoá[3].
Với trọng tâm phát triển công nghệ thông tin, vào năm 2013, Chính phủ Malaysia đã bắt đầu các sáng kiến khai thác dữ liệu và phát triển dữ liệu như một phần tài sản của chính phủ, cần được chia sẻ với công chúng để tăng hiệu quả của các cơ quan. Tại thời điểm đó, khái niệm về Phân tích Dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã được đưa ra, và Bộ Truyền thông và Đa phương tiện (KKMM) cùng Đơn vị lập kế hoạch quản lý và hiện đại hóa hành chính Malaysia (MAMPU) và Tập đoàn Phát triển Malaysia (MDeC) là những đơn vị chức năng sẽ hợp tác triển khai Dữ liệu lớn tại Malaysia. Với việc triển khai Phân tích Dữ liệu lớn, Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu đạt được năng suất tăng trưởng; tăng trưởng về công nghệ thông tin; tiết kiệm chi tiêu và đổi mới sáng tạo để mang lại lợi ích cho người dân.Tuy nhiên, vào năm 2013, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ và cần một thời gian nghiên cứu để đưa ra các chính sách cũng như kế hoạch cụ thể nhằm áp dụng Dữ liệu lớn ở cả hai khu vực công và tư ở Malaysia[4]. Qua đây có thể thấy rằng, Chính phủ Malaysia đã xây dựng lên nhiều kế hoạch đa dạng về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, tuy nhiên trong giai đoạn đầu, công cuộc chuyển đổi số ở Malaysia vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế và lép vế hơn so với những quốc gia phát triển về công nghệ kỹ thuật số như Mỹ, Đức, Trung Quốc, hay Singapore.
Sau một khoảng thời gian chững lại, những chính sách, chiến lược chuyển đổi kinh tế số ở Malaysia được tập trung đẩy mạnh trở lại vào năm 2015 khi Chính phủ Malaysia công bố chương trình “Bản đồ Chiến lược Internet vạn vật (IoT) quốc gia”(2015-2025), đây cũng là sự kiện đánh dấu giai đoạn hai (2016-2021) của công cuộc chuyển đổi số ở Malaysia. Với thời gian triển khai trong 10 năm, mục tiêu của chính sách này là phát triển một hệ sinh thái quốc gia nhằm gia tăng việc sử dụng và công nghiệp hóa Internet vạn vật như một nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2016, Malaysia tiếp tục thể hiện quyết tâm chuyển đổi số với chương trình “Bản đồ Chiến lược Thương mại điện tử quốc gia” (2016-2020). Chính sách được triển khai với 2 mục tiêu chính: tương lai hoá (future-proof) những doanh nghiệp hiện tại và mở rộng thị trường. Với mục tiêu future-proof doanh nghiệp hiện tại, Malaysia muốn đưa gần 80% DNNVV (SMEs) gia nhập sàn thương mại điện tử và đảm bảo các doanh nghiệp này có khả năng bắt nhịp kịp thời với thị trường điện tử mà hứa hẹn sẽ tăng trưởng vượt xa thị trường ngoại tuyến. Bên cạnh đó, Malaysia cũng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới 16 triệu khách hàng số để cạnh tranh với hơn 87 triệu khách hàng số ở khu vực ASEAN và 1 tỉ khách hàng số trên toàn cầu[5].
Để hướng ứng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cuối tháng 10/2018 Chính phủ Malaysia đã đưa ra Chính sách quốc gia về Công nghiệp 4.0 (Industry4WRD). Ba trọng tâm được chính sách này tập trung triển khai bao gồm: (i) thu hút các đơn vị liên quan đến công nghệ Công nghiệp 4.0 và tăng sức hút của Malaysia trong lĩnh vực sản xuất; (ii) tạo ra hệ sinh thái tiêu chuẩn cho việc tiếp nhận Công nghiệp 4.0 song song với những chính sách phát triển trong hiện tại và tương lai; và (iii) chuyển đổi năng lực công nghiệp của Malaysia theo cách toàn diện và nhanh chóng[6]. Đối với chính sách này, Chính phủ Malaysia đã đặt ra những mục tiêu cụ thể và kết quả dự kiến như ước tính năng suất bình quân đầu người trong ngành sản xuất sẽ tăng 30% vào năm 2025; tăng mức đóng góp tuyệt đối của ngành sản xuất cho nền kinh tế đất nước từ 254 tỷ Ringgit Malaysia lên 392 tỷ Ringgit Malaysia vào năm 2025; ước tính số lượng lao động có tay nghề cao trong ngành sản xuất sẽ tăng 35% vào năm 2025; và cuối cùng giúp Malaysia giành được vị trí trong bảng xếp hạng 30 quốc gia hàng đầu về Chỉ số đổi mới toàn cầu vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia đã triển khai dự án Phân tích dữ liệu lớn khu vực công 2.0 (DRSA 2.0) để tiếp nối Dự án thí điểm phân tích dữ liệu lớn của khu vực công (Public Sector Big Data Analytics Pilot Project) và Dự án mở rộng phân tích dữ liệu lớn của khu vực công (Public Sector Big Data Analytics Project) được khởi xướng từ năm 2015. Dự án được triển khai từ tháng 9/2019 tới tháng 12/2020 với mục đích đẩy mạnh Phân tích dữ liệu lớn trong Khu vực công bằng cách tăng số lượng phát triển sản phẩm dữ liệu cũng như xây dựng năng lực cho công chức trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu để cho phép các cơ quan triển khai phân tích dữ liệu lớn nội bộ tại các đơn vị tương ứng. Dự án có quy mô rất rộng, bởi tất cả 24 bộ ngành của Malaysia đã được mời tham dự các buổi họp báo về dự án này cũng như trực tiếp tham gia vào việc phát triển các sản phẩm dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị tương ứng của từng bộ ngành. Bởi vậy, đối với Malaysia, việc tập trung phân tích dữ liệu lớn và áp dụng dữ liệu lớn đối với các cơ quan đơn vị chức năng là một trong những mục tiêu quan trọng trong khuôn khổ chiến lược phát triển CNTT, chuyển đổi số của đất nước này.
Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng trong công cuộc chuyển đổi kinh tế số của Malaysia khi Chính sách Cách mạng Công nghiệp 4.0 quốc gia (4IRP) và Kế hoạch Kinh tế số Malaysia (MyDigital) (2021-2030) đồng thời được triển khai. Chính sách Cách mạng Công nghiệp 4.0 quốc gia (4IRP) được đưa ra với nhiệm vụ cải thiện chất lượng sống bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực địa phương để ứng dụng công nghệ 4.0 trên khắp các lĩnh vực; và khai thác công nghệ để tăng cường bảo tồn tính toàn vẹn hệ sinh thái. Trong số những chính sách và kế hoạch về CĐS hay công nghệ thông tin đã được triển khai thực hiện, Kế hoạch Kinh tế số Malaysia (MyDigital) được đánh giá là kế hoạch cụ thể nhất tính đến thời điểm hiện tại về chuyển đổi kinh tế số ở Malaysia. Kế hoạch này chia làm ba giai đoạn; mỗi giai đoạn đều bao gồm những mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 1 (2021 đến 2022) – củng cố nền tảng việc áp dụng kỹ thuật số; Giai đoạn 2 (2023 đến 2025) – thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trên diện rộng; Giai đoạn 3 (2026 đến 2030) – đưa Malaysia trở thành quốc gia dẫn đầu về nội dung số và an ninh mạng trong thị trường khu vực. Về tổng thể, kế hoạch MyDigital còn bao gồm những mục tiêu khá tham vọng bao gồm tạo ra 500.000 cơ hội việc làm mới trong nền kinh tế kỹ thuật số, dự kiến sẽ đóng góp 22,6% GDP của Malaysia vào năm 2030; hỗ trợ 875.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME và SME) chuyển sang kỹ thuật số thông qua thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp trong vòng 5 năm tới; đóng vai trò là điểm khởi đầu để thu hút 70 tỷ RM đầu tư kỹ thuật số từ thị trường trong nước và quốc tế; tăng 30% năng suất của nền kinh tế vào năm 2030; thực hiện “Chiến lược trên nền tảng đám mây” – Di chuyển 80% dữ liệu công khai sang hệ thống đám mây lai (hybrid cloud) vào cuối năm 2022 để giảm chi phí của Chính phủ trong dài hạn[7].
Dựa trên những thông tin được tổng hợp, chúng ta có thể thấy rằng trong giai đoạn hai, với vô vàn chính sách, chiến lược cụ thể hơn so với giai đoạn đầu, Chính phủ Malaysia đã đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của Công nghiệp 4.0, xây dựng nền móng vững chắc để phát triển nền kinh tế số, và đồng thời tích cực hỗ trợ cho mạng lưới các DN siêu nhỏ, nhỏ, và vừa.
II, Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DNNVV (SMEs)
Bên cạnh những chính sách chiến lược dài hạn, Chính phủ Malaysia cũng đưa ra hàng loạt chương trình, dự án, cũng như gói hỗ trợ tài chính nhằm đẩy mạnh hành trình số hoá của đất nước và hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa (MSMEs), chuyển đổi số. Tập đoàn Kinh tế số Malaysia (MDEC) là cơ quan trực thuộc Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia với trách nhiệm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để điều phối và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kỹ thuật số (trong và ngoài nước). Hiện nay, MDEC là một trong số những cơ quan tổ chức quan trọng có những đóng góp to lớn vào chính sách, chiến lược, hay chương trình trọng điểm về chuyển đổi số ở Malaysia.
1, Digital Investments Future5 (DIF5) Strategy
Một trong những chính sách chiến lược quan trọng về chuyển đổi số được Tập đoàn Kinh tế số Malaysia (MDEC) đưa vào triển khai là chương trình “Digital Investments Future5 (DIF5) Strategy” – kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong khuôn khổ Kế hoạch thứ 12 Malaysia (12th Malaysia Plan) nhằm thu hút đầu tư số và nâng tầm nền kinh tế số của Malaysia. Mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025 bao gồm: tổng đầu tư vào nền kinh tế số lên tới 50 tỉ Ringgit Malaysia; thu hút 50 công ty công nghệ thuộc danh sách Fortune 500 tới Malaysia kinh doanh – phát triển; thành lập năm doanh nghiệp Startup có mức tăng trưởng vượt trội (Unicorns); và tạo ra 50.000 công việc trong Siêu Hành lang Đa phương tiện. Hơn thế nữa, chiến lược này cũng tập trung vào sự phát triển của Dịch vụ Kinh doanh Toàn cầu Kỹ thuật số (Digital Global Business Services) thông qua việc thành lập các Trung tâm Chuyên môn (Centres of Expertise – CoE) để đẩy mạnh khai thác và bồi dưỡng nhân tài công nghệ. Trong khuôn khổ chiến lược DIF 5, MDEC cũng đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm #MyDigitalWorkforce Work in Tech (MYWIT) và Viện Công nghệ Kỹ thuật số (Premier Digital Tech Institute – PDTI), và đều nhấn mạnh vào việc nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ thông tin để thu hẹp khoảng cách nhân tài kỹ thuật số.
Để đạt được những mục tiêu trên, MDEC đã tập trung đầu tư, phát triển những lĩnh vực ưu tiên quốc gia như Công nghệ Nông nghiệp, Công nghệ Y tế, Kinh tế số Hồi giáo, Công nghệ Tài chính, Công nghệ Sạch, và Công nghệ Giáo dục. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đẩy mạnh số hoá những ngành công nghiệp trên sẽ có ảnh hưởng lớn đến lượng đầu tư, công việc, cũng như đóng góp vào GDP của đất nước. Quan trọng hơn, việc mở rộng quy mô và khai thác tối đa tiềm năng của các ngành công nghiệp này cũng sẽ thu hút các công ty lớn trên toàn cầu, mang lại lợi ích to lớn từ quan hệ đối tác quốc tế với các công ty địa phương của Malaysia như việc chuyển giao công nghệ và kiến thức. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư chiến lược này cũng sẽ tập trung vào năm công nghệ mới quan trọng là Blockchain, công nghệ Drone, điện toán biên, thực tế mở rộng, và robot tiên tiến để đảm bảo Malaysia luôn dẫn đầu trong công cuộc phát triển công nghệ tiên tiến. Đến hiện tại, MDEC đã thành công thu hút vốn đầu tư lên tới 345 tỉ Ringgit Malaysia, tạo ra 184.396 công việc, và sở hữu 40 công ty thuộc Forbes100 ở Malaysia[8].
2, Văn phòng Đầu tư Kỹ thuật số (DIO)
Để thúc đẩy việc đầu tư kỹ thuật số, đến tháng 4/2021, Văn phòng Đầu tư Kỹ thuật số (DIO) của Malaysia đã được thành lập dưới hình thức nền tảng một cửa (single-window platform) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư kỹ thuật số ở nước này. Nền tảng này được vận hành bởi hai đơn vị chính là MDEC – thuộc sự quản lý của Bộ Kỹ thuật số Malaysia; và Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) – một cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế có nhiệm vụ giám sát và thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở Malaysia. Văn phòng Đầu tư Kỹ thuật số được thành lập với những mục tiêu chính bao gồm: (i) thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số cho các doanh nhân trẻ, các công ty và người dân; (ii) thu hút đầu tư kỹ thuật số chất lượng; (iii) hỗ trợ các công ty công nghệ địa phương phát triển và thành công trên các đường đua quốc tế.
Nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp giữa tất cả các Cơ quan Xúc tiến Đầu tư (IPAs), DIO cung cấp chế độ khuyến khích linh hoạt với giải pháp tối ưu hóa để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư bao gồm sáng kiến Kỹ thuật số Malaysia, Kế Hoạch Tăng tốc Hệ sinh thái Kỹ thuật số và các giải pháp riêng biệt dựa trên vị trí. Dựa trên những dự án như DIO và Digital Investments Future5 (DIF5) Strategy, việc đầu tư kỹ thuật số là một chiến lược quan trọng của Malaysia nhằm phát triển nền kinh tế số. Được Hội đồng quốc gia về kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư (MED4IR) công nhận là đầu mối duy nhất cho các khoản đầu tư kỹ thuật số vào đất nước, những mục tiêu cũng như chiến lược của DIO hoàn toàn hợp với các mục tiêu của Kế hoạch kinh tế số Malaysia (MyDIGITAL). Trong quá trình triển khai, DIO báo cáo đã thành công đạt được mức đầu tư kỹ thuật số khoảng 13,1 tỉ Ringgit Malaysia từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2021; và tiếp tục đặt ra mục tiêu thu hút tổng mức đầu tư kỹ thuật số là 70 tỉ Ringgit Malaysia vào năm 2025[9]. Đặc biệt, để đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như đầu tư kỹ thuật số cho các DN, DIO đã tích cực tạo điều kiện để các doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ hay các dự án đầu tư kỹ thuật số do DIO triển khai hoàn toàn miễn phí.
3, 100 Go Digital
Vào tháng 6/2021, Tập đoàn Kinh tế số Malaysia (MDEC) đã phối hợp với các tổ chức Chính phủ, các đối tác chuyển đổi số, cũng như những bên liên quan trong ngành để tổ chức chương trình “100 Go Digital – SME Digital Accelerator” với mục tiêu khuyến khích những doanh nghiệp truyền thống thuộc những lĩnh vực trọng điểm ở Malaysia tích cực tham gia chuyển đổi số. Chương trình 100 Go Digital là một chuỗi những buổi workshop nhằm bổ sung cho các doanh nghiệp kiến thức về chuyển đổi số và hướng dẫn cách áp dụng công nghệ số một cách hiệu quả. Cụ thể, để giúp các doanh nghiệp tăng tốc trên đường đua CĐS, chương trình sẽ cung cấp cho mỗi DN một phương pháp tiếp cận bài bản để áp dụng kỹ thuật số với hiệu quả nhất định. Những DN/ cá nhân tham gia sẽ được cung cấp phương pháp tiếp cận từng bước để áp dụng kỹ thuật số với mục đích giải quyết những vấn đề khó khăn trong quá trình kinh doanh thông qua số hóa và cho ra tỷ suất hoàn vốn ngay lập tức. Trong khuôn khổ chương trình, những lĩnh vực được đào tạo chính bao gồm: bán lẻ và thực phẩm & đồ uống (F&B); dịch vụ chuyên nghiệp và logistics. Khi đăng ký tham gia chương trình CĐS này, các DN sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích như có thể tiếp cận những giải pháp kỹ thuật số có sẵn và phù hợp từ hơn 400 nhà cung cấp giải pháp công nghệ, được hỗ trợ đánh giá và cung cấp phương án giải quyết các vấn đề trong kinh doanh thông qua các kế hoạch can thiệp, hay tiến hành số hoá DN với kết quả có thể đo lường được. Hơn nữa, bên cạnh các buổi tập huấn chuyên sâu, 100 Go Digital cũng hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các đối tác chuyển đổi số cũng như đưa ra những giải pháp số và chiến lược để doanh nghiệp có thể phát triển kế hoạch chuyển đổi số cho riêng mình. Đặc biệt, các DN sẽ được đăng ký tham gia chương trình hoàn toàn miễn phí theo nguyên tắc “đến trước làm trước” (first come first served), và chương trình cũng có những gói hỗ trợ tài chính để đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Để hỗ trợ các hoạt động số hoá và tự động hoá kinh doanh, tổng cộng 100 triệu Ringgit Malaysia đã được phân phối thông qua Kế hoạch Tài trợ Số hoá cho DNNVV; và gói hỗ trợ tương ứng lên tới 5000 Ringgit Malaysia sẽ được cung cấp cho những DNNVV đã áp dụng những ứng dụng của số hoá kinh doanh như hệ thống bán hàng POS; kế toán; hay quản lý hàng tồn kho. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 75,000 doanh nghiệp được hưởng lợi từ chương trình; hơn 46,479 doanh nghiệp đã thành công áp dụng các giải pháp kỹ thuật số; và hơn 100 buổi chia sẻ được tổ chức nhằm nâng cao ý thức về việc áp dụng kỹ thuật số thông qua các nền tảng số[10]. Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng chương trình đang được triển khai tốt và gặt hái những thành quả nhất định.
4, eUsahawan (Khởi nghiệp số)
Bên cạnh chương trình 100 Go Digital, Tập đoàn Kinh tế số Malaysia (MDEC) cũng đã triển khai chương trình tập trung vào khởi nghiệp, công nghệ thông tin, và chuyển đổi số là “eUsahawan (Khởi nghiệp số)”. Chương trình này được xây dựng nhằm thúc đẩy việc áp dụng tiếp thị kỹ thuật số và thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ những doanh nhân kỹ thuật số mới trong việc đẩy mạnh và phát triển kinh doanh. Cụ thể, chương trình bao gồm những lớp học trực tiếp và online nhằm đào tạo cá nhân, sinh viên, và những doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ về khởi nghiệp số để tiếp thị sản phẩm, tăng thu nhập, cũng như doanh số bán hàng. Một số đặc điểm nổi bật của chương trình có thể kể đến những dự án như: eUsahawan Komuniti – cung cấp những khoá học về kinh doanh số và những kỹ năng phát triển kinh doanh cho cộng đồng doanh nhân; eUsahawan Hab – tập trung đưa ra giải pháp cho các DNNVV để phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; hay eUsahawan Siswa – tích hợp các mô-đun vào chương trình giảng dạy IHL/TVET để trau dồi các kỹ năng quan trọng trong kinh doanh số cho học sinh.
Cụ thể, đối với dự án eUsahawan Komuniti, tất cả các mô-đun nhằm nâng cao kỹ năng sẽ được giảng dạy bởi các huấn luyện viên được chứng nhận bởi eUsahawan dưới hình thức trực tuyến hoặc ngoại tuyến. Mô-đun đào tạo sẽ được chia thành hai mức độ từ cơ bản đến nâng cao. Trong đó, mức độ cơ bản sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp kỹ thuật số, các yếu tố kinh doanh thiết yếu và tổng quan về các công cụ số hóa có thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; và đến mức độ nâng cao học viên sẽ được giảng dạy kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về kinh doanh và số hóa trong chuỗi giá trị khởi nghiệp số. Những học viên xuất sắc được tuyển chọn sẽ tiếp tục được tham gia đào tạop với các huấn luyện viên trong vòng ba tháng để được cố vấn. Những người tham gia được chọn có thể tiếp tục tham gia với các huấn luyện viên trong vòng ba tháng để được cố vấn. Về dự án eUsahawan Siswa, MDEC sẽ tích hợp các mô-đun của eUsahawan vào những chương trình giảng dạy về khởi nghiệp hiện có tại các cơ sở Giáo dục và Đào tạo Kỹ thuật và Nghề nghiệp (TVET) và Cơ sở Giáo dục Đại học (IHL). Các mô-đun giảng dạy bao gồm những nội dung như Quản lý Chuỗi cung ứng; SEM/SEO; Email tiếp thị; Sáng tạo Nội dung; Quản lý Tài chính;… Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2022, đã có hơn 30 IHL/TVET và các tổ chức học tập đã đưa các mô-đun eUsahawan vào chương trình giảng dạy, đưa con số những học viên được đào tạo thông qua dự án eUsahawan Siswa lên đến gần 286,000 học viên. Cuối cùng, eUsahawan Hab là sáng kiến của MDEC nhằm giải quyết vấn đề cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu kiến thức và hướng dẫn để phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Dự án này cũng tận dụng các trung tâm/tổ chức cộng đồng hiện có làm cơ sở giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng kinh doanh kỹ thuật số và các hoạt động kinh doanh cho DN. Đến giữa năm 2024, tổng số học viên được đào tạo qua tất cả những dự án trong khuôn khổ chương trình eUsahawan đã lên tới 562.696 học viên và tổng doanh thu bán hàng được ghi nhận bởi học viên thông qua nền tảng eU là xấp xỉ 1,24 tỉ Ringgit Malaysia[11].
5, MSME Digital Grant – MADANI
Ngoài những dự án, chính sách hỗ trợ tư vấn cho DNNVV về chuyển đổi số, Chính phủ cũng như những tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn ở Malaysia cũng tích cực đầu tư gói hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số. Một ví dụ tiêu biểu của những dự án tài trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa ở Malaysia áp dụng công nghệ số chính là dự án Tài trợ Kỹ thuật số cho DN siêu nhỏ, nhỏ, và vừa (MSME Digital Grant – MADANI). Bắt đầu từ năm 2021, gói tài trợ MADANI được phối hợp triển khai bởi Chính phủ Malaysia, MDEC, Ngân hàng Simpanan Nasional, và Ủy ban Truyền thông Đa phương tiện Malaysia (MCMC) với mục đích hỗ trợ DN siêu nhỏ, DNNVV áp dụng công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số từ các đối tác kỹ thuật số trực thuộc MDEC.
Cụ thể, Chính phủ Malaysia sẽ phân phối tổng số tài trợ lên tới 100 triệu Ringgit Malaysia cho mỗi gói hỗ trợ lên tới 5000 Ringgit Malaysia để giúp đỡ hơn 20.000 DNNVV thông qua MDEC[12]. Gói hỗ trợ này sẽ được áp dụng dưới hình thức dịch vụ kỹ thuật số: các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký chương trình sẽ lựa chọn dịch vụ kỹ thuật số cần hỗ trợ, và chương trình sẽ kết nối DN với đối tác kỹ thuật số cung cấp dịch vụ tương ứng của MDEC. Gói hỗ trợ sẽ tài trợ 50% (tới 5000 Ringgit Malaysia) tổng chi phí dịch vụ. Những dịch vụ kỹ thuật số được hỗ trợ bao gồm hệ thống điểm bán hàng điện tử (e-POS); an ninh mạng; hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM); Internet vạn vật (IoT)/hệ thống thông minh; lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp (ERP); tiếp thị và bán hàng kỹ thuật số; thương mại điện tử và giải pháp làm việc từ xa. Để đăng ký tham gia chương trình, các DN cần phải thoả mãn các điều kiện như DN đã được đăng ký theo luật hiện hành tại Malaysia và được phân loại là doanh nghiệp vừa và nhỏ; 60% DN phải được sở hữu bởi người Malaysia; DN đã đi vào hoạt động tối thiểu trong vòng 1 năm; và doanh thu bán hàng trung bình/tối thiểu hàng năm là 50.000 Ringgit Malaysia. Thông qua những chương trình/gói hỗ trợ tài chính như trên, Chính phủ Malaysia mong muốn nhấn mạnh việc thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công cụ kỹ thuật số vận hành hệ thống, công việc không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh mà còn nâng cao hiệu quả vận hành một cách đáng kể.
Các doanh nghiệp Malaysia đang tích cực tham gia vào công cuộc CĐS
6, MDEC Grants
Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế trên khắp Malaysia thông qua các sáng kiến chiến lược và hỗ trợ toàn diện, Tập đoàn Kinh tế số Malaysia (MDEC) cũng đã tập trung triển khai rất nhiều gói hỗ trợ tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp ở Malaysia, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Tính đến nay, MDEC đã triển khai 04 gói trợ cấp khác nhau nhằm hỗ trợ các DN chuyển đỏi số bao gồm: Trợ cấp Nội dung số (Digital Content Grant – DCG); Hỗ trợ Kỹ thuật số Xuất khẩu Malaysia (MDXG); Gói Xúc tác Kỹ thuật số Malaysia (Malaysia Digital Catalyst Grant- MDCG); và Trợ cấp Tăng tốc Kỹ thuật số Malaysia (Malaysia Digital Acceleration Grant – MDAG). Đối với mỗi gói trợ cấp, MDEC đều đưa ra những lợi ích, cách thức hỗ trợ, cũng như điều kiện tham gia rất cụ thể dành cho các DN.
Trong số các gói hỗ trợ trên, gói Trợ cấp Nội dung số (DCG) là sáng kiến được Chính phủ Malaysia đưa vào triển khai từ năm 2016 nhằm hỗ trợ các công ty sáng tạo nội dung trong việc phát triển, sản xuất và tiếp thị nội dung số của họ trong các lĩnh vực như hoạt hình, trò chơi kỹ thuật số, truyện tranh kỹ thuật số và nội dung công nghệ sáng tạo. Gói trợ cấp này đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như tạo ra sở hữu trí tuệ do Malaysia sở hữu hoặc chia sẻ; phát triển tài năng thông qua việc tận dụng các đối tác quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, kỹ thuật và nguồn nhân lực tại địa phương; và sáng tạo và phát triển các tác phẩm gốc cho phim hoạt hình và phim truyện, phát triển trò chơi kỹ thuật số, truyện tranh kỹ thuật số và công nghệ sáng tạo trong ngành nội dung số. Trong khuôn khổ gói Trợ cấp DCG, MDEC đã đặt ra ba loại gói trợ cấp về nội dung số khác nhau bao gồm: Gói trợ cấp phụ; Gói trợ cấp chính; và Gói trợ cấp cho Tiếp thị & Thương mại hoá. Cụ thể, gói trợ cấp phụ có mục đích hỗ trợ việc phát triển, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm nội dung số với số tiền tối đa là 150,000 Ringgit Malaysia. Gói trợ cấp chính sẽ hỗ trợ việc phát triển, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm nội dung số với số tiền tối đa là 500,000 Ringgit Malaysia. Cuối cùng, gói trợ cấp cho Tiếp thị & Thương mại hoá sẽ phục vụ cho việc thương mại hóa sản phẩm nội dung số với số tiền trợ cấp tối đa là 300.000 Ringgit Malaysia.
Ngoài gói hỗ trợ về sáng tạo nội dung, gói Hỗ trợ Kỹ thuật số Xuất khẩu Malaysia (MDXG) là gói hỗ trợ được cấp cho các công ty công nghệ Malaysia đã chứng minh được sự sẵn sàng để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế và đang tìm cách mở rộng độ nhận diện trên toàn cầu. Khoản tài trợ này có mục đích xúc tiến việc xuất khẩu kỹ thuật số có giá trị cao dẫn đến phát triển và thương mại hóa các sản phẩm hoặc dịch vụ theo định hướng thị trường, mang tính đột phá, sáng tạo và bền vững trên thị trường quốc tế. Gói hỗ trợ sẽ tập trung đẩy mạnh việc mở rộng các công ty công nghệ hoạt động trong những lĩnh vực kỹ thuật số trọng điểm ở Malaysia như kỹ thuật số nông nghiệp, dịch vụ số, thành phố kỹ thuật số, tài chính số, y tế số, thương mại số, nội dung số, và du lịch số. Đối với công ty địa phương, gói tài trợ này sẽ hỗ trợ tới 50% tổng chi phí dự án, hoặc mức hỗ trợ tương đương với số tiền lên tới 1 triệu Ringgit Malaysia với thời hạn dự án trong vòng 1 năm. Đối với công ty nước ngoài có trụ sở chính ở Malaysia, gói sẽ hỗ trợ 30% tổng chi phí dự án (kéo dài trong vòng 1 năm), hoặc tương đương số tiền lên tới 1 triệu Ringgit Malaysia[13]. Bên cạnh những điều kiện về pháp lý hay tài chính, MDEC cũng yêu cầu DN đăng ký tham gia và nhận được hỗ trợ cần đảm bảo sẽ tạo ra những cơ hội nghề nghiệp trong khuôn khổ dự án cho người dân Malaysia và trong suốt quá trình dự án hoạt động 50% thành viên dự án phải là người Malaysia.
Với hình thức hỗ trợ tương tự như gói MDXG là tài trợ cho dự án, gói Xúc tác Kỹ thuật số Malaysia (MDCG) được thiết kế để thúc đẩy việc sử dụng và phát triển các giải pháp bền vững mang tính đột phá và sáng tạo trong các lĩnh vực được thúc đẩy bởi Malaysia Digital (MD) phù hợp với Chính sách Cách mạng Công nghiệp 4.0 quốc gia (4IRP) Malaysia. Đối với gói MDCG, MDEC cũng sẽ tài trợ 50% kinh phí dự án cho doanh nghiệp địa phương và 30% kinh phí dự án cho doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở chính ở Malaysia với thời hạn dự án lên tới 1 năm[14]. Khoản tài trợ này sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích đồng sáng tạo, giải quyết vấn đề, phát triển và thương mại hóa các giải pháp sáng tạo với đối tác là người dùng cuối (end-user partner). Cuối cùng, gói Trợ cấp Tăng tốc Kỹ thuật số Malaysia (MDAG) được MDEC lập ra với mục tiêu xúc tiến các hoạt động kinh doanh mang lại tác động lớn đến Nền kinh tế số của Malaysia trong bối cảnh mở rộng nền kinh tế hoặc tăng cường hoạt động kinh tế thông qua việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số liên tục. Để làm được điều này, MDEC muốn tập trung thúc đẩy sự phát triển của các công ty thuộc Malaysia Digital Status đang trong giai đoạn thương mại hóa và mở rộng để trở thành công ty hàng đầu khu vực, đồng thời phù hợp với các lĩnh vực trọng tâm và đơn vị công nghệ được Malaysia thúc đẩy. Bởi vậy, trong khuôn khổ gói tài trợ MDAG, các doanh nghiệp địa phương hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký và đang hoạt động ở Malaysia sẽ được hỗ trợ tới 70% tổng kinh phí dự án (hoặc tương đương số tiền lên tới 5 triệu Ringgit Malaysia) trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, tất cả những doanh nghiệp đăng ký tham gia gói tài trợ đều cần được công nhận là công ty trực thuộc MSC Malaysia hoặc Malaysia Digital Status.
III, Những bài học kinh nghiệm về CĐS ở Malaysia
Theo đánh giá của các chuyên gia và Chính phủ Malaysia, một trong những thách thức lớn gây trở ngại đối với việc tăng tốc chuyển đổi số ở Malaysia là sự hạn chế nhận thức về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của chuyển đổi số cũng như công nghệ 4.0. Tại Malaysia, trước khi Covid-19 diễn ra, việc chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ kỹ thuật số vẫn chưa được chú trọng triển khai, đặc biệt đối với các DN siêu nhỏ, hay DNNVV. Theo một nghiên cứu vào năm 2016, việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông bởi các DNNVV ở những nước phát triển đã đạt ít nhất 50% nhưng con số này chỉ vỏn vẹn 10% ở Malaysia[15]. Việc thiếu kiến thức chuyển đổi số ở DNNVV cũng là do rất nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của Chính phủ Malaysia trước đó thực chất phù hợp hơn với những doanh nghiệp cỡ vừa, lớn hoặc những doanh nghiệp đã có kiến thức nhất định về chuyển đổi số. Bởi vậy, việc thiếu nhận thức cũng như kiến thức về áp dụng công nghệ số có thể khiến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với những đổi mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0, và những doanh nghiệp như vậy cần chuyên gia tư vấn, khoá đào tạo, huấn luyện, cũng như trợ cấp từ Chính phủ để từng bước tiếp cận và xây dựng kế hoạch chuyển đổi số. Hiện nay, Việt Nam cũng gặp vấn đề tương tự khi vẫn còn không ít doanh nghiệp, nhân sự chưa nhận thức được đầy đủ và chính xác tầm quan trọng của chuyển đổi số. Do đó, việc các doanh nghiệp chủ động phát triển chiến lược chuyển đổi số cụ thể đồng thời đào tạo, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số cho các cấp bậc nhân viên từ lãnh đạo, quản lý cấp cao, cấp trung cùng toàn thể nhân viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp công ty thành công bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của thời đại số hoá.
Bên cạnh việc thiếu nhận thức về chuyển đổi số, các báo cáo của Maylaysia cho thấy một vấn đề lớn cản trở chuyển đổi số ở quy mô doanh nghiệp bao gồm sự hạn chế về nguồn nhân lực nội bộ cũng như kỹ năng, kiến thức về công nghệ số của nhân sự, đặc biệt về công nghệ thông tin, AI, và robot. Hiện nay, khoảng cách về kỹ năng kỹ thuật số (Digital Skills Gap) là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến tốc độ chuyển đổi số của rất nhiều quốc gia, bởi thực tế ngành công nghệ đang thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng về kỹ thuật số. Một báo cáo năm 2021 của Rand Corporation chỉ ra rằng khoảng cách kỹ năng số toàn cầu đang ngày càng gia tăng do những yếu tố như chi phí cao và cách tiếp cận thiếu tổ chức đối với giáo dục truyền thống làm tăng rào cản học tập; khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và kỹ năng số bị hạn chế bởi vấn đề tài chính (76% người lao động toàn cầu cảm thấy họ không có đủ nguồn lực cần thiết để học các kỹ năng số)[16]. Việc hạn chế về kỹ năng số và thiếu sự đào tạo bài bản cho nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành sản xuất và giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại số. Bởi vậy, ở Malaysia hay Việt Nam, việc tăng cường đào tạo kỹ năng số và bổ sung nguồn nhân lực nội bộ để triển khai chuyển đổi số nên là một trong những ưu tiên chính của các doanh nghiệp khi hoạch địch chiến lược chuyển đổi số.
Nhìn chung, trong suốt hành trình 28 năm thực hiện tin học hóa, số hóa và chuyển đổi số, Chính phủ cũng như các cơ quan, tổ chức của Malaysia đã nhận thức một cách đúng đắn tầm quan trọng của chuyển đổi số để từng bước triển khai vô số những chính sách, dự án, cũng như chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thích nghi với xu thế số hoá trên thế giới. Những nỗ lực chuyển đổi số của Malaysia đã gặt hái được những thành quả đáng ngưỡng mộ như đứng đầu về Chỉ số Công nghệ Tài chính Hồi giáo Toàn cầu 2023/24; đứng đầu về Chỉ số An ninh mạng Quốc gia trong số các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương; hay đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh Kỹ thuật số Thế giới IMD 2023 trong số các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương[17];…Tuy còn tồn đọng những thách thức như hạn chế về kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số hay thiếu nguồn nhân lực, Malaysia vẫn luôn có những tiến bộ và tốc độ tăng trưởng ổn định trong quá trình số hoá đất nước. Bởi vậy, đối với Việt Nam, nước ta cần vạch ra những chính sách, chiến lược cụ thể hơn về chuyển đổi số; tập trung CĐS cho các DNNVV; triển khai các chương trình, gói tài trợ chuyển đổi số cho DN; đẩy mạnh thu hút đầu tư về kỹ thuật số; đào tạo chuyên gia tư vấn CĐS cho doanh nghiệp; cũng như tăng cường hợp tác với các tổ chức, quốc gia mạnh về CĐS. Với những bài học kinh nghiệm quý giá từ Malaysia cũng như sự phối hợp tích cực chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, Việt Nam có thể nghiên cứu và phát triển chiến lược chuyển đổi số sao cho phù hợp với nguồn lực và tài nguyên của nước ta, từ đó từng bước bứt phá và sánh vai với những nền kinh tế số lớn mạnh trên thế giới.