Thế giới chỉ trong bốn tháng đầu năm 2020 đã đón nhận cú giáng đòn trực diện từ “Thiên Nga Đen” Covid-19 lên hầu hết khía cạnh trong cuộc sống thường ngày, nhất là các phương thức giao tiếp, quản lý công việc, các mối quan hệ, cho đến những hậu quả vĩ mô hơn về ngoại giao, chính trị, xã hội và đặc biệt là kinh tế. Đại dịch gây ra sức ảnh hưởng chưa từng có đến việc thay đổi và cân nhắc thay đổi mạnh mẽ các hành vi thông thường trong một thời gian rất ngắn mà không loại trừ bất kỳ một quốc gia nào, tạo nên một làn sóng sụp đổ về nhu cầu tiêu dùng mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Dù đã có những bước tiến đáng kể trong lộ trình kiểm soát khả năng lây lan và áp dụng nhiều biện pháp bao gồm cả sự hỗ trợ của công nghệ thông tin vào khoanh vùng an toàn nhằm mục đích tạo niềm tin cho kế hoạch phục hồi kinh tế nội địa, nhưng để tạo động lực tích cực lên hành vi tiêu dùng của cá nhân lẫn tổ chức để trở về như trước đây sẽ là điều khó có thể thực hiện nhanh chóng mà cần một lộ trình lâu dài.
Theo thống kê thị trường Bán Lẻ Tp.HCM Quý I/2020 của CBRE, doanh thu của ngành hàng dịch vụ lưu trú ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6 và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các Trung tâm thương mại, theo quan sát của CBRE Việt Nam, lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80% tại các dự án. Theo ý kiến của các chuyên gia tại CBRE, doanh thu các ngành hàng giảm khác nhau trong thời kỳ ảnh hưởng của COVID-19: Các ngành hàng buộc phải đóng cửa như Giáo dục gần như không có doanh thu, trong khi đó các ngành hàng như Ăn uống, Thời Trang & Phụ kiện hoặc Giải trí thì doanh thu có thể giảm từ 50-80%.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh doanh mua sắm trực tuyến lại có mức tăng trưởng khả quan. Theo khảo sát của Nielsen vào Tháng 2/2020, chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu như đồ ăn khô, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tăng mạnh trung bình 35%-70%. Các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte … ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn. Đơn vị vận chuyển Grab nhanh chóng ra mắt dịch vụ Grabmart, đi siêu thị giúp người tiêu dùng. Đây là những động thái rất nhanh thích ứng với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ. Thị trường bán lẻ trực tuyến, mặc dù tăng trưởng nhanh trong vòng vài năm vừa qua (tăng trung bình 39% trong 5 năm), cao hơn mức tăng của thị trường bán lẻ truyền thống (tăng trung bình 10% trong 5 năm), vẫn chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.
Với những diễn biến trong quý vừa rồi, bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển hơn nữa với lượng dân số trẻ dồi dào và hơn 70% dân số kết nối Internet, một mức cao so với thế giới và châu Á. Đầu tư vào nền tảng công nghệ, bán hàng đa kênh trở thành xu hướng mới thiết yếu đối với các nhà bán lẻ.”
Sự thay đổi này vô tình đã và đang thúc đẩy càng nhanh quá trình Chuyển Đổi trong cách thức các doanh nghiệp Phân Phối Bán Lẻ hoạt động mà trước đây họ chưa thực sự quan tâm đúng mức về việc chuẩn bị và thích ứng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm, xây dựng những kênh giao tiếp, mua bán với khách hàng của mình một cách gần gũi và hiệu quả hơn. Ở những điểm giao tiếp này, các giải pháp công nghệ liên tục phát triển giúp cho sự chuyển đổi ngày càng trở nên nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, chính những nhu cầu tức thời phát sinh các giải pháp cũng tức thời, ngắn hạn lại là điểm yếu cho sự chuyển đổi bền vững.
Để tránh được điều này, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng bán lẻ tại Việt Nam bắt đầu cân nhắc những giải pháp Chuyển Đổi Số toàn diện hơn, lâu dài hơn và có lộ trình thực hiện vững chắc, nhằm đạt được những mục tiêu đáp ứng xu hướng tiêu dùng ngắn hạn hiện tại nhưng cũng không quên chuẩn bị cho tương lai trung và dài hạn. Vậy với Việt Nam, xu hướng nào sẽ dẫn dắt ngành Phân Phối Bán Lẻ chuyển đổi một cách bền vững:
Xu hướng #1: Chiến lược dữ liệu cho quản trị
Hành vi thay đổi, tất yếu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh bán hàng của doanh nghiệp. Để dự đoán được sự thay đổi này không chỉ trong ngắn hạn, điều đầu tiên sẽ cần chú ý đến cách thức thu thập dữ liệu thị trường hiện tại. Nếu doanh nghiệp bạn đang có một mô hình bán hàng phức tạp, hãy nghĩ đến việc tinh gọn, số hóa và ứng dụng các hệ thống công nghệ thời gian thực để nhân cơ hội này chuyển đổi, thu thập và làm cho việc hiển thị các dữ liệu này trở nên đơn giản hơn với tốc độ nhanh hơn nhằm theo dõi một cách thuận tiện trên các thiết bị di động cá nhân. Điều này giúp các cấp quản trị có được thông tin phục vụ nhanh nhất cho tốc độ ra quyết định, thích ứng với sự biến động của thị trường.
Doanh nghiệp bạn đã thực sự nghiêm túc suy nghĩ về chiến lược cho dữ liệu quản trị? Thực tế là các tập đoàn bán lẻ đang tiếp thu dữ liệu chậm hơn cả một chủ shop trực tuyến khi họ bán hàng trên sàn thương mại điện tử, dựa vào các dữ liệu cơ bản được thống kê trên một màn hình hiển thị thời gian thực, họ biết cần thay đổi nhanh chóng, chính xác việc gì, với nội dung gì để thu hút sự chú ý của khách hàng. Đã bao lâu rồi các cấp lãnh đạo vẫn đang định kỳ hàng tuần, hàng tháng mới quan sát các báo cáo được trích xuất ra từ những hệ thống quản trị phân phối bán lẻ cồng kềnh và không còn đáp ứng kịp sự thay đổi.
Hãy định hình mục tiêu cho dữ liệu quản trị ngay từ bây giờ. Cách thức Thương Mại Điện Tử và hệ sinh thái đang vận hành của nó sẽ là mô hình định hình cho Bán Lẻ tương lai. Việc bạn sẵn sàng chuyển đổi từ phương thức giao tiếp, đặt hàng, xử lý đơn hàng, tính toán sản xuất, quản lý tồn kho, vận chuyển và thanh toán dựa trên sức mạnh của công nghệ đến đâu, điều đó sẽ cho biết bạn có khả năng chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần trong tương lai rất gần.
Xu hướng #2: Tái thiết kế dữ liệu phục vụ hệ thống đề xuất cho khách hàng.
Google, Facebook là những công ty công nghệ thu thập được hàng tỷ dữ liệu tương tác mỗi ngày. Công việc của họ là định hình các dữ liệu này sẽ phục vụ điều gì cho bạn trong những lần tương tác hiện tại và kế tiếp để mỗi một kết quả, nội dung, thông tin bạn nhận được sẽ luôn là thứ hữu ích và tốn ít thời gian tiếp cận nhất có thể.
Hành vi mua sắm phát sinh nhiều dữ liệu hơn khi có tính chất so sánh đa chiều. Công việc thu thập, phân tích, đề xuất các dữ liệu của các nền tảng phục vụ cho mua sắm trực tuyến vì thế cũng phức tạp hơn.
Khi thị trường không chỉ có mỗi doanh nghiệp bạn đang phục vụ khách hàng, thì chính việc thiết kế trải nghiệm sản phẩm dịch vụ riêng biệt theo đúng đối tượng khách hàng, dựa trên những dữ liệu thu thập được từ nhiều phương thức, kết hợp với các tiêu chí đáp ứng nhu cầu cơ bản (kênh, giá, ưu đãi) sẽ làm cho khách hàng yêu thích sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu của bạn, và đó mới là những yếu tố quyết định họ có mua hàng hay không. Nhưng hãy nhớ rằng càng nhiều đối thủ, càng nhiều kênh tiếp cận và càng nhiều cách bán hàng đa dạng đang quấy nhiễu khách hàng của bạn. Việc thu thập dữ liệu sẽ trở nên khó khăn hơn khi cần một hệ thống định danh, tổng hợp, phân loại, đánh giá, phân tích đa chiều…một cách có phương pháp và liên tục tự cải tiến. Vì vậy, lựa chọn công nghệ vào quản trị và ứng dụng những xu hướng phân tích như Máy Học hay Trí Tuệ Nhân Tạo (Machine Learning & Artificial Intelligence) sẽ ngày càng trở thành các giải pháp bắt buộc, là cơ sở nền tảng trong những hệ thống đề xuất thông tin phục vụ tìm kiếm và mua sắm, những công việc mà con người khó có khả năng tiêu tốn nhiều nguồn lực để thực hiện.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của kẻ thống lĩnh thị trường nằm ở chỗ, bạn thực sự hiểu khách hàng tới đâu, và tốc độ vận hành chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu khách hàng được triển khai nhanh đến mức nào.
Xu hướng #3: Đưa kênh phân phối bán lẻ trực tuyến vào chiến lược dài hạn và xây dựng hệ thống quản trị sự trung thành của khách hàng.
Sau khi định hình về chiến lược dữ liệu cho quản trị và cách thức giao tiếp với khách hàng dựa trên cơ sở dữ liệu. Các doanh nghiệp Phân Phối Bán Lẻ sẽ cần một lộ trình để tái thiết hoạt động vận hành. Tốc độ hoàn tất chuyển đổi sẽ dựa trên khả năng nội tại của doanh nghiệp.
Lộ trình này sẽ xác định việc chuyển đổi là chiến lược dài hạn cho mô hình Phân Phối Bán Lẻ. Hệ thống hóa, tự động hóa toàn bộ cách thức dữ liệu hoạt động trong doanh nghiệp và định hình các kênh tiếp cận khách hàng (ngoại tuyến & trực tuyến) hoàn toàn mới với mục tiêu nhanh chóng đáp ứng nhu cầu và tạo động lực để họ quay trở lại với nhãn hàng.
Xu hướng #4: Hệ thống thanh toán và vận chuyển hoàn tất hệ sinh thái vận hành kiểu mới
Chuỗi cung ứng Phân Phối và Bán Lẻ chỉ có thể chuyển đổi hoàn chỉnh nếu hạ tầng thanh toán và các dịch vụ hậu cần, kho vận, giao nhận cũng hoàn tất chuyển đổi số. Đây là một trong những bài toán khó của ngành bán lẻ Việt Nam. Thống kê Thương Mại Điện Tử chỉ đang chiếm 4~5% trong tổng doanh số ngành Bán Lẻ đạt 142 tỷ đô (số liệu của Deloitte về Thương Mại Điện Tử và Bán Lẻ Việt Nam 2019). Bị phụ thuộc bởi rào cản về độ phủ của các nền tảng các dịch vụ thanh toán trực tuyến còn hạn chế, phí dịch vụ còn cao, sự kiểm soát còn rất truyền thống và quá lớn của dịch vụ hậu cần (logistic).
Tuy nhiên, chính phương thức hoạt động vận hành của các nền tảng mua sắm trực tuyến đã dọn đường và tiếp tục giúp cho các nhà Phân Phối Bán Lẻ có thể hình dung được hệ sinh thái vận hành mà doanh nghiệp cần phải hướng đến.
Việc của các Doanh Nghiệp Phân Phối Bán Lẻ cần quan tâm chính là chuẩn bị nguồn nhân lực đủ năng lực học hỏi và đáp ứng được xu hướng chuyển đổi này.
Viết bởi: Thanh Bùi