Bài viết gốc: https://www.voguebusiness.com/consumers/the-rise-of-squad-shopping-online-with-friends
Một nền tảng mới được phát triển bởi cựu Giám Đốc Thương Hiệu của L’Oréal nhằm mục tiêu tăng tính cộng đồng cho thương mại điện tử, bằng cách cho phép người dùng mua sắm theo nhóm.
Nội dung chính:
- Đến năm 2022, lượng hàng hoá bán ra thông qua cộng đồng thương mại điện tử tại Trung Quốc sẽ vượt mức 413 tỉ (USD), tăng gần 5 lần so với mức 90 tỉ (USD) năm 2017.
- Squadded Shopping Party hi vọng có thể mang ý tưởng này du nhập sang phương Tây bằng cách cho phép người dùng mua sắm cùng nhau trên các trang thương mại điện tử ngành thời trang, tạo cảm giác giống như việc cùng bước vào 1 cửa hàng ảo.
- Các hoạt động hội nhóm trực tuyến như Netflix Party hay Instagram Co-Watching trở nên phổ biến trong suốt thời điểm diễn ra đại dịch toàn cầu, khi mà kết nối giữa người với người trở thành nhu cầu thiết yếu với tâm lý người tiêu dùng.
Elysa Kahn hi vọng có thể cung cấp giải pháp cho nhóm người dùng tuổi teen với nhu cầu đi mua sắm cùng bạn bè – cựu quản lý thương hiệu của L’Oréal cho ra mắt nền tảng mạng xã hội mới mang tên Squadded Shopping Party để khuyến khích người dùng trong cùng 1 network mua sắm online cùng nhau.
Kahn, cùng với cha mình, tạo ra nền tảng bằng cách xây dựng 1 công cụ mở rộng cho ứng dụng trình duyệt web, cho phép người dùng cùng nhau mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử ngành thời trang như Asos, Boohoo, Missguided, Na-kd và Pretty Little Thing. Những nhà bán lẻ này có nhóm khách hàng chủ chốt là thế hệ Gen Z trong độ tuổi từ 15 tới 25, phù hợp nhóm đối tượng người dùng Kahn đang nhắm tới.
“Việc có thể trò chuyện với bạn bè tôi và nghe lời khuyên thực tế từ họ là rất quan trọng mỗi khi tôi mua sắm. Trước đây mua sắm trực tuyến không thể làm được điều này” – Cô giải thích.
Mối liên kết giữa người với người vẫn đang tiếp tục là 1 động lực mạnh mẽ trong việc ra quyết định chi tiền mua sắm, 54% cá nhân được phỏng vấn bởi Tập Đoàn khảo sát Nielsen đã trả lời rằng họ chi nhiều hơn cho những lần mua sắm ngoài dự kiến trong năm 2019, 80% trong số đó cho hay những lời khuyên từ cộng đồng, như là gợi ý từ bạn bè và các hội nhóm trên mạng xã hội là nguyên nhân kích thích những lần chi tiền bốc đồng đó.
“Khả năng người ta chi tiền mua sắm thường cao hơn chỉ vì có một, hoặc một nhóm bạn bè đi cùng & củng cố quyết định chi tiền mà rất có thể họ đã định không mua nếu đi một mình, khi bớt được cảm giác rủi ro trong chi tiêu người ta sẽ chi tiền một cách bất cẩn hơn.” – trích lời Max H. Brüggemann, Giám đốc Gắn kết Khách Hàng của Capgemini Invent.
Có 1 nhóm người, mặc dù đang ở nhà một mình và chỉ trò chuyện, xem tin tức với nhau qua mạng chứ không nhìn thấy nhau, vẫn có cảm giác như đang ở cùng nhau, Kahn nhận định. Trận đại dịch đã làm thay đổi văn hoá trong cách con người mua sắm và dành thời gian bên nhau: Sự phổ biến của livestream – hoạt động mang lại lợi ích tương tự trong việc tạo niềm tin và sự minh bạch – điều mà thương mại điện tử truyền thống còn thiếu, đã và đang lan toả từ Châu Á ra toàn cầu. Mua sắm theo nhóm rất có thể là thói quen mua sắm tiếp theo tạo được thành tích nhảy vọt.
Nở rộ tại Trung Quốc
Đến năm 2022, lượng hàng hoá bán ra thông qua cộng đồng thương mại điện tử tại Trung Quốc sẽ vượt mức 413 tỉ (USD), tăng gần 5 lần so với mức 90 tỉ (USD) năm 2017, theo thống kê của tập đoàn tư vấn Frost & Sullivan.
Đối với Domenica di Lieto, giám đốc điều hành của tập đoàn tư vấn tiếp thị Emerging Communications (Luân Đôn) tại Trung Quốc, hình thức mua sắm này vốn tồn tại trong văn hoá & lối sống của người Trung Quốc. “Có rất nhiều hội nhóm trên WeChat và các ứng dụng mạng xã hội khác tại Trung Quốc, nơi những người có chung sở thích tập trung lại thành cộng đồng” bà giải thích.
Thành lập năm 2015, Công Ty Pinduoduo (dịch nôm na là “cùng nhau tạo thêm lợi ích”) có trụ sở tại Thượng Hải khuyến khích người dùng tạo ra nhiều hội nhóm mua sắm trên mạng xã hội để có thể mua hàng theo nhóm – càng nhiều người mua, giá thành càng rẻ. Đây là ứng dụng thương mại điện tử phổ biến thứ hai tại Trung Quốc sau Taobao của Alibaba, với tỉ lệ giữ chân người dùng sau 7 ngày là 77%, cao nhất trong tất cả các trang web mua sắm ở nước này.
Dữ liệu từ viện nghiên cứu Jiguang cho thấy hơn 60% người dùng Pinduoduo đến từ những thành phố kém phát triển và vùng nông thôn của Trung Quốc. “Thành công của Pinduoduo phần lớn đến từ phần trợ cấp đáng kể mà nó cung cấp. Giá thành sản phẩm cực thấp đánh đúng tâm lý mua hàng quan tâm giá cả của nhóm người tiêu dùng ở địa phương có thu nhập thấp & vùng nông thôn.” Amie Song, Chuyên gia cao cấp tại Gartner APAC cho hay.
Trong thời đại dịch Covid-19 toàn cầu, trang JD.com chứng kiến mức tăng vọt trong hành vi mua sắm theo nhóm. Theo Jiarui Liu, người đứng đầu sáng kiến thương mại điện tử cộng đồng của JD, doanh thu từ thương mại điện tử cộng đồng, vốn được theo dõi riêng rẽ so với doanh thu từ website, trong quý 1 năm 2020 đã vượt mức doanh thu của cả năm 2019.
Trong tháng 4, JD.com liên kết với China Youth Travel Service – một trong những đại lý du lịch hàng đầu Trung Quốc, tạo ra chương trình cho phép các hướng dẫn viên du lịch – nhóm lao động đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, nhận công việc bán thời gian làm “hướng dẫn viên mua sắm của JD” trên các hội nhóm WeChat. Hướng Dẫn Viên sẽ giới thiệu sản phẩm với mức giá cạnh tranh tới nhiều bạn bè hoặc những người xung quanh. Trên 3000 hướng dẫn viên du lịch đã đăng ký tham gia chương trình mới mẻ này.
“Trải nghiệm mua sắm khi được chia sẻ sẽ tạo độ tin cậy lớn hơn cho một sản phẩm, và những gợi ý thông qua giao tiếp hằng ngày xưa nay vẫn là một tác động mạnh mẽ lên quyết định chi tiêu. Amie Song cho biết thêm.
Tham vọng phương Tây
Hoạt động trực tuyến theo nhóm đã phát triển rộng rãi trong thời điểm đại dịch: Tháng 3 chứng kiến sự ra đời của Netflix Party, tính năng phát triển bởi nhà cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến cho phép khách hàng cùng lúc xem 1 chương trình với bạn bè, và Instagram cho ra mắt tính năng Co-Watching cho phép người dùng mạng xã hội này có thể lướt màn hình cùng lúc với những người theo dõi họ.
Bán lẻ là bước chuyển tiếp tiếp theo 1 cách rất tự nhiên. Thương hiệu thời trang phù dâu Birdy Grey đã khám phá nhiều cách để khuyến khích khách hàng của họ tham gia và đang cho ra mắt ứng dụng mua sắm cộng đồng mới cho phép các cô phù dâu chọn ra phong cách mình ưa chuộng, theo dõi giao dịch của bạn bè và chia sẻ hình ảnh phong cách họ đã chọn khi ăn vận lên sẽ trông ra sao thông qua 1 ứng dụng thử trang phục ảo. “Thương hiệu chúng tôi cho phép phụ nữ cùng nhau mua sắm và tận hưởng những lợi ích không khác gì khi mua sắm trực tiếp, chỉ là thông qua hình thức trải nghiệm ảo” Trích lời nhà sáng lập đồng thời là Giám Đốc Điều Hành Birdy Grey, Grace Lee.
Được hậu thuẫn và cấp vốn bởi Lemon Ltd và Ben Amoyal – Giám Đốc Điều Hành của Premia Capital, Squadded Shopping Party được ra mắt trong tuần đầu tháng 5, hiện tại có khoảng 100 người dùng. Theo Kahn, dịch vụ hiện tại đang là miễn phí, nhưng cô có kế hoạch tạo ra lợi nhuận từ những đường dẫn liên kết và thu phí hằng tháng đối với các nhà bán lẻ ở mức khoảng 3,000 Euro, tương đương 3,239 đô la Mỹ. Kahn tin rằng 1 trung tâm mua sắm ảo là điều cần thiết đối với người tiêu dùng có nhu cầu kết nối trong hoàn cảnh đang giãn cách xã hội. Squadded Shopping Party cho phép người dùng không chỉ tương tác với bạn bè, mà còn với tất cả những thành viên hiện đang online.
“Nếu tôi truy cập vào Asos ngay bây giờ, có lẽ rất nhiều người khác đang cùng mua sắm với tôi, nhưng tôi không biết họ có ở đó hay không. Điều này thực sự cản trở trải nghiệm mua sắm” cô nói.
Brüggemann tin rằng, khái niệm mua sắm theo nhóm vốn đã tồn tại trong văn hoá phương Tây. “Groupon hình thành dựa trên hoạt động mua sắm theo nhóm – vài người cùng ưa thích 1 sản phẩm, và thế là họ được giảm giá,” ông nói. “Đề xuất 1 mức giảm giá sẽ có thể thúc đẩy mức tiêu dùng, một ví dụ đơn giản như: một bữa ăn cho 2 người với giá 1 người tại 1 nhà hàng địa phương.”
Nhưng những nhà quan sát khác vẫn còn đang hoài nghi việc mua sắm trực tuyến theo cộng đồng có thể được áp dụng cho thị trường Phương Tây. “Đó không phải phong cách thường ngày của người dân nơi đây”, Di Lieto nói.
“Covid-19 có thể đã thúc đẩy chuyển đổi số, nhưng người tiêu dùng phương Tây nhìn chung vẫn kém tinh tế trong việc mua sắm trực tuyến” Amie Song bổ sung. “Trong và sau thời kỳ Covid-19, khi người tiêu dùng nói chung trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu, sẽ sinh ra cơ hội cho các nền tảng mua sắm cộng đồng có được người dùng bằng cách cung cấp giá cạnh tranh cho các ngành hàng nhu yếu phẩm.”
Một trong những thách thức to lớn nhất vẫn còn tồn tại, đó là “Ở phương Tây, không có sự tồn tại của một ứng dụng thương mại cộng đồng nào vừa cung cấp mọi thứ và vừa có mặt khắp nơi”. Song tiếp tục chia sẻ. “Còn tồn tại những rảo cản lớn hơn đáng kể đối với hành vi chia sẻ, khi mà khả năng tích hợp không được trôi chảy, cộng với tương tác xã hội của người dân không được củng cố. Đây có thể là một trong những thử thách lớn nhất cho các nền tảng mua sắm theo nhóm tại phương Tây. Không có ứng dụng xã hội như WeChat, sẽ khó hơn rất nhiều để đo lường cơ sở người dùng 1 cách nhanh chóng.”
“Nếu nó thực sự xảy ra, sẽ là do người tiêu dùng làm thay đổi cục diện, không phải do các thương hiệu.” trích lời Di Lieto.
Dịch bởi: IPI TECHNOLOGY SOLUTIONS – nRMS Team