Buổi hội thảo đã thu hút sự tham gia của 79 học viên trên 22 điểm cầu của Tập đoàn Viettel. Xuyên suốt quá trình diễn ra hội thảo , các học viên đã tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, trình bày về những khó khăn, thách thức số mà Viettel đang đối mặt, cũng như thiết kế những mô hình kinh doanh nền tảng, những lĩnh vực mới, những cơ hội dành cho Viettel ngoài ngành Viễn thông và Dịch vụ số.
Vào ngày 17/5/2021, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số VIDTI phối hợp cùng Học viện Viettel tổ chức chương trình Hội thảo: ” Tư duy chiến lược trong lĩnh vực Viễn thông và Dịch vụ số” với chủ đề : ” Chiến lược khai phá cơ hội tăng trưởng cho Doanh nghiệp Viễn thông trong Kỷ nguyên số” dành cho các cán bộ quản lý của Tập đoàn Viettel. Chương trình Hội thảo được thực hiện trong vòng 1 ngày ( 17/05/2021) , tổng thời lượng 8h với 2 phiên sáng và chiều.
Diễn giả hàng đầu về Chuyển đổi số
Đồng hành cùng chương trình Hội thảo Tư duy chiến lược trong Viễn thông và Dịch vụ số là sự có mặt của Giáo sư, Diễn giả David L.Rogers và Diễn giả Clark Boyd cùng trợ giảng T. S Phạm Anh Tuấn
David L.Rogers hiện tại đang là giáo sư giảng dạy tại Trường Kinh doanh Columbia (Mỹ). Ông là nhà lãnh đạo được công nhận trên toàn cầu về chiến lược kỹ thuật số, nổi tiếng với công trình tiên phong về chuyển đổi kỹ thuật số; là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất về Chuyển đổi số “The Digital Transformation Playbook” , đồng thời cũng là Diễn giả, tác giả của 3 cuốn sách: The Network is your Customer; Digitale Transformation- Das Playbook; The Digital Transformation Playbook: Rethink your Bussiness for the Digital Age.
Rogers đã tư vấn và tổ chức hội thảo cho các GĐ điều hành tại hàng trăm công ty từ 66 quốc gia – Bao gồm Google, Citi, Unilever, Merck, Toyota, GE, Hearst, Visa, Cartier, AARP, Cisco, HSBC , Pernod Ricard, Movado, SAP, Lilly, Pizza Hut, Hard Rock Café, Telstra, China Eastern Airlines, Acuity Insurance, Kohler, Saint – Gobain, và nhiều hãng khác.
Clark Boyd Người hướng dẫn chính, Nhóm David Rogers
Boyd là người hướng dẫn chính cho Tập đoàn David Rogers, nơi anh dẫn dắt các hội thảo đào tạo giám đốc điều hành trong các ngành khác nhau về các khuôn khổ và công cụ chiến lược từ thực tiễn tư vấn của David Rogers và các cuốn sách bán chạy nhất Mạng là khách hàng của bạn và Playbook Chuyển đổi kỹ thuật số. Trong 4 năm qua, Boyd đã giảng dạy cho các giám đốc điều hành trong các chương trình của Giáo sư Rogers cho Trường Kinh doanh Columbia, bao gồm hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp môn “Chiến lược kỹ thuật số cho doanh nghiệp”.
Boyd đã cung cấp khóa đào tạo điều hành về chiến lược kỹ thuật số và khoa học dữ liệu với các tổ chức kinh doanh hàng đầu khác như Học viện Kỹ thuật số Google, MIT, Đại học Cambridge, Trường Quản lý Kellogg tại Northwestern và Đại học Hoàng gia Luân Đôn. Trong 10 năm, ông đã tư vấn cho các doanh nghiệp về phân tích kỹ thuật số và tiếp thị kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận
Trợ giảng TS. Phạm Anh Tuấn
TS. Phạm Anh Tuấn là Phó Viện Trưởng Viện Sáng tạo & Chuyển đổi số VIDTI, PGĐ Công ty Tư vấn và Phát triển Quản lý (McaD JSC), giảng viên Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ts. Phạm Anh Tuấn là học trò của David Rogers, đã có thời gian cùng làm việc với ông khi dịch cuốn sách Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số mà ông là tác giả.
TS Phạm Anh Tuấn lấy bằng MBA chuyên ngành Quản trị công nghệ tại Học viện Công nghệ Châu Á-AIT và bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội. Ông có nhiều chứng chỉ về Lãnh đạo & Kinh doanh trong kỷ nguyên số, Khoa học dữ liệu, Tiếp thị số do các trường đại học hàng đầu thế giới cấp như Trường Kinh doanh Columbia, ĐH Michigan, Hoa Kỳ.
Ông là một trong nhưng chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số và chiến lược số trong kinh doanh tại Việt Nam. Ông là dịch giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về chuyển đổi số, trong đó có cuốn sách “ Digital Transformation” của tác giả David Rogers, là nhà sáng lập Cộng đồng Chuyển đổi số Việt Nam, thường xuyên chia sẻ về tri thức liên quan đến các xu hướng công nghệ và chuyển đổi số trên các cộng đồng. Ông đã trực tiếp giảng dạy và thuyết trình về chuyển đổi số cho các tổ chức trong cả khu vực công và tư ở Việt Nam, bao gồm: Tổng công ty điện lực Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Công ty Medlantec, Hội doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu long, Đoàn doanh nghiệp khối Trung ương, Chương trình Thạc sĩ Tổ chức tài chính, các giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, v.v.
Ngoài kiến thức chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu, Ông cũng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn quản lý và kinh doanh cho các tập đoàn, ngân hàng, công ty khởi nghiệp. Hiện nay ông là chuyên gia tư vấn dài hạn về chuyển đổi số cho Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tham gia vào các hoạt động chuyển đổi mô hình kinh doanh, truyền thông số, đổi mới sản phẩm, v.v tại công ty này.
Những góc nhìn toàn diện và sâu sắc về tư duy Chiến lược Kỹ thuật số
Theo Diễn giả David Rogers: ” Chuyển đổi số, giờ đây, không còn là xu thế mà đã chuyển dịch thành điều bắt buộc đối với mọi Doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có không ít các Doanh nghiệp cho rằng Chuyển đổi số chỉ để phô diễn chứ không phải là khoản đầu tư hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, cùng với đó là tư duy trì hoãn, ngại thay đổi, mất mát,…. Đây chính là những rào cản cho quá trình Chuyển đổi số của các Doanh nghiệp và cả nền kinh tế”.
Đại dịch Covid 19 xảy ra khiến cả thế giới chao đảo, thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế. Tuy nhiên, ở một khía cạnh tích cực hơn, Covid 19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi số, mở ra một Kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số.
David Rogers cũng cho biết gần đây ông đã hoàn thành nghiên cứu “ Tăng tốc độ Chuyển đổi số để nâng cao độ ổn định cho Doanh nghiệp”. Nghiên cứu được thực hiện thông qua việc phỏng vấn 300 nhà lãnh đạo các Doanh nghiệp tại 6 lục địa. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, giờ đây không phải là câu hỏi chúng ta có thực sự cần phải Chuyển đổi số hay không nữa “If” mà Chuyển đổi số đã trở thành điều tất yếu và câu hỏi hàng đầu các nhà lãnh đạo cần phải đối mặt hiện nay chính là “ How far?” Chúng ta Chuyển đổi số nhanh đến mức độ nào.
“Chuyển đối số không phải là vấn đề về Công nghệ, mà đó là vấn đề về Chiến lược và cách Tư duy mới”. Chuyển đổi trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi doanh nghiệp của bạn phải nâng cao nhận thức về chiến lược chứ không phải là nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin.
Khung chiến lược Chuyển đổi số
Khung Chiến lược Chuyển đổi số sẽ là hệ quy chiếu mà các Doanh nghiệp có thể sử dụng trong quá trình thực hiện công cuộc Chuyển đổi số của mình. Theo David Rogers, khung chiến lược bao gồm 5 phương diện: khách hàng, cạnh tranh, dữ liệu, đổi mới sáng tạo, giá trị.
Phương diện đầu tiên trong chuyển đổi số là khách hàng. Trong lý thuyết trước đây, khách hàng được xem như các đối tượng tổng hợp mà doanh nghiệp cần tiếp thị và thuyết phục mua hàng. Mô hình thắng thế về các thị trường đại chúng tập trung vào việc đạt được hiệu quả kinh tế quy mô thông qua sản xuất đại trà (tạo ra một sản phẩm để phục vụ nhiều khách hàng nhất có thể) và truyền thông đại chúng (sử dụng một thông điệp và kênh truyền thông nhất quán để tiếp cận và thuyết phục được nhiều khách hàng nhất trong cùng một thời điểm). Trong kỷ nguyên số hóa, chúng ta chuyển sang một thế giới được mô tả không chỉ bởi thị trường đại chúng mà bởi các mạng lưới khách hàng. Trong mô hình này, khách hàng kết nối với nhau một cách năng động và tương tác theo cách thức làm thay đổi mối quan hệ của họ với nhau cũng như với doanh nghiệp. Khách hàng ngày nay không ngừng kết nối với nhau và gây ảnh hưởng lên nhau và định hình uy tín của doanh nghiệp cũng như các thương hiệu. Việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số cũng làm thay đổi cách khách hàng tìm kiếm, đánh giá, mua sắm và sử dụng sản phẩm cũng như cách họ chia sẻ, tương tác và kết nối với các thương hiệu.
Điều này buộc doanh nghiệp suy nghĩ lại về phễu tiếp thị truyền thống của họ và đánh giá lại hành trình mua hàng của khách hàng, bắt đầu từ việc sử dụng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, màn hình điện thoại thông minh, hoặc máy tính để bàn, đến lúc bước vào cửa hàng, tham vấn dịch vụ khách hàng qua kênh tư vấn trực tuyến trên mạng. Thay vì chỉ xem khách hàng là đối tượng để bán hàng, doanh nghiệp cần nhận thức rằng một khách hàng năng động, thuộc về một mạng lưới có thể chính là nhóm tập trung (focus group) tốt nhất để tiến hành khảo sát, trở thành đại sứ thương hiệu, hoặc chính là đối tác đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Để thích nghi với khách hàng, các doanh nghiệp phải không ngừng ứng dụng công nghệ nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng trên cả kênh số và kênh vật lý. Domino Pizza là một công ty như vậy với tuyên bố họ sẽ trở thành một công ty công nghệ. Họ gây sốc thị trường với tuyên bố: 30 phút hoặc là miễn phí, nghĩa là nếu trong vòng 30 phút khách hàng không nhận được pizza sau khi đặt hàng họ sẽ không phải trả tiền!!!
Phương diện thứ hai trong chuyển đổi kỹ thuật số là cạnh tranh: các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác với nhau như thế nào? Thông thường, cạnh tranh và hợp tác được xem như hai mặt đối nghịch: doanh nghiệp cạnh tranh với các đối thủ giống họ, và hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng phân phối sản phẩm hoặc cung cấp đầu vào cần thiết cho sản xuất.
Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới chỉ có ranh giới mềm giữa các ngành công nghiệp và một trong những thách thức lớn nhất có thể là cạnh tranh bất đối xứng – đó là khi nhiều doanh nghiệp đến từ những ngành công nghiệp khác, chẳng có điểm gì giống chúng ta nhưng lại cung cấp các giá trị có tính cạnh tranh cho khách hàng của chúng ta. Hiện tượng: “xóa bỏ trung gian” trong thời kỳ kỹ thuật số đang làm đảo lộn các mối quan hệ hợp tác và chuỗi cung ứng – đối tác kinh doanh lâu năm có thể trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất nếu họ bắt đầu phục vụ trực tiếp khách hàng của chúng ta.
Cùng lúc đó, có thể chúng ta cần phải hợp tác với một đối thủ cạnh tranh trực tiếp do các mô hình kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau hoặc do những thách thức chung đến từ bên ngoài ngành công nghiệp. Quan trọng hơn, công nghệ kỹ thuật số đang tăng cường sức mạnh cho các mô hình kinh doanh nền tảng (platform), cho phép một doanh nghiệp tạo ra và tiếp nhận giá trị khổng lồ khi hỗ trợ sự tương tác giữa các doanh nghiệp khác hoặc giữa những khách hàng với nhau.
Kết quả cuối cùng của những thay đổi này là một bước chuyển lớn về địa bàn cạnh tranh. Thay vì dừng lại ở một cuộc chiến có tổng bằng không giữa những đối thủ giống nhau, cạnh tranh ngày càng giống trò chơi khúc quân cầu ở đó các công ty có mô hình kinh doanh hoàn toàn khác nhau tranh giành tầm ảnh hưởng, và mỗi công ty đều tìm cách đạt được nhiều lợi thế hơn trong việc phục vụ khách hàng cuối cùng.
Phương diện tiếp theo của chuyển đổi số là dữ liệu: đó là cách doanh nghiệp xây dựng, quản trị và sử dụng thông tin. Thông thường, dữ liệu được tạo ra bằng những phương thức đo lường hoạch định sẵn (gồm các loại dữ liệu, từ khảo sát khách hàng đến kho hàng) như một phần của quy trình sản xuất, tác nghiệp, bán hàng, tiếp thị. Dữ liệu thu về được sử dụng chủ yếu để đánh giá, dự báo và ra quyết định.
Các công cụ “dữ liệu lớn” cho phép doanh nghiệp xây dựng những phương thức dự báo mới, tìm ra những xu hướng chưa từng biết tới trong hoạt động kinh doanh, và giải mã những nguồn giá trị mới. Thay vì bị giới hạn trong địa phận của các bộ phận nghiên cứu kinh doanh cụ thể, dữ liệu đang trở thành huyết mạch của mọi bộ phận trong doanh nghiệp và là một tài sản chiến lược cần xây dựng, khai thác theo thời gian. Dữ liệu chính là một yếu tố sống còn trong cách doanh nghiệp vận hành, tạo sự khác biệt, và tạo dựng giá trị mới.
Phương diện thứ tư của chuyển đổi kỹ thuật số là đổi mới sáng tạo: quá trình thông qua đó các ý tưởng mới được phát triển, thử nghiệm và đưa ra thị trường bởi doanh nghiệp.
Thông thường, đổi mới sáng tạo được quản trị theo hướng chú trọng vào sản phẩm cuối cùng. Vì việc thử nghiệm sản phẩm trên thị trường khá phức tạp và tốn kém, mọi quyết định đổi mới sáng tạo thường dựa trên việc phân tích và cảm nhận của các nhà quản lý.
Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo theo tư duy mới là tập trung vào việc thử nghiệm sản phẩm một cách thận trọng và tập trung vào các mẫu thử khả thi tối thiểu (MPV) cho phép thu nạp được nhiều kinh nghiệm nhất và tốn ít chi phí nhất. Các giả định được kiểm chứng theo vòng lặp, và những quyết định lựa chọn mẫu thiết kế sản phẩm được đưa ra dựa trên đánh giá của khách hàng thực tế. Theo cách tiếp cận này, sản phẩm được phát triển liên tục thông qua một quá trình tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thất bại và thúc đẩy học tập tổ chức.
Phương diện cuối cùng của chuyển đổi kỹ thuật số là giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho khách hàng của mình – hay được gọi là tuyên bố giá trị. Thông thường, tuyên bố giá trị của doanh nghiệp được xem là khá nhất quán. Sản phẩm có thể được cập nhật thêm tính năng, các chiến dịch tiếp thị được làm mới, hoặc quy trình hoạt động được hoàn thiện hơn, tuy nhiên giá trị cơ bản mà một doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng được giả định là không thay đổi và được định nghĩa bởi ngành công nghiệp (ví dụ các công ty xe hơi cung cấp giải pháp giao thông, sự an toàn, tiện nghi và vị thế xã hội theo những cấp độ khác nhau).
Một doanh nghiệp thành công sẽ có tuyên bố giá trị rõ ràng, tìm ra được điểm khác biệt trên thị trường (ví dụ giá cả hoặc thương hiệu), và tập trung vào việc thực thi, cung cấp phiên bản tốt nhất của tuyên bố giá trị không đổi đó cho khách hàng từ năm nay qua năm khác. Trong thời đại kỹ thuật số, nếu doanh nghiệp cứ dựa mãi vào một tuyên bố giá trị cũ kỹ thì chẳng khác gì tạo điều kiện để đối thủ cạnh tranh thách thức hoặc thậm chí làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của mình. Mặc dù các ngành công nghiệp sẽ thay đổi vào thời điểm chính xác nào đó và theo quy luật chuyển đổi do sự ra đời của các công nghệ mới, doanh nghiệp nào tự trấn an rằng sự thay đổi chưa đến ngay sẽ bị bỏ lại phía sau sớm nhất.
Trong bối cảnh kinh doanh đang chuyển đổi, chúng ta chỉ có cách đối phó an toàn nhất là đi theo lộ trình đổi mới không ngừng, xem mọi công nghệ như một phương án để mở rộng và hoàn thiện tuyên bố giá trị cung cấp cho khách hàng. Thay vì chờ đợi để thích nghi khi sự thay đổi diễn ra như một lựa chọn sống còn, doanh nghiệp cần tập trung vào việc nắm bắt cơ hội mới, từ bỏ những lợi thế đang suy thoái và thích nghi sớm để đón đầu xu thế thay đổi.
Tổng kết Hội thảo
Buổi hội thảo thu hút sự tham gia của 79 học viên trên 22 điểm cầu của Tập đoàn Viettel. Xuyên suốt quá trình diễn ra hội thảo , các học viên đã tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, trình bày về những khó khăn, thách thức số mà Viettel đang đối mặt, cũng như thiết kế những mô hình kinh doanh nền tảng, những lĩnh vực mới, những cơ hội dành cho Viettel ngoài ngành Viễn thông và Dịch vụ số.
Chương trình hội thảo “Tư duy chiến lược trong lĩnh vực Viễn thông và Dịch vụ số” với chủ đề: “Chiến lược khai phá cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp viễn thông trong kỷ nguyên số” đã giúp cho các học viên là các cán bộ quản lý của Viettel có những góc nhìn toàn diện và sâu sắc về tư duy chiến lược Kỹ thuật số, gợi mở những giải pháp Chuyển đổi Kỹ thuật số thành công . Đồng thời, buổi hội thảo cũng giúp cho các học viên hiểu biết sâu sắc hơn về Chiến lược Kỹ thuật số để khai phá cơ hội tăng trưởng cho Viettel và các Doanh nghiệp Viễn thông. Hi vọng rằng, đây sẽ là những hành trang quý giá, giúp Viettel tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc cách mạng mới. Chặng đường 5 năm tới chính là giai đoạn để Viettel vượt qua thử thách của chính mình, khẳng định vị trí trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia và bước những bước đi mạnh mẽ hơn ra thị trường thế giới.