18 quyển sách dành cho lãnh đạo của trường doanh nhân PACE – Góc Sách – The Book Corner
Sự học chỉ được xem là thực học nếu học để lấy năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân nhằm định đoạt thân phận và số phận của mình (PACE, 2003)
Bản đồ chiến lược
(Strategy Maps)
“Các nhà lãnh đạo ngày nay gặp phải một thách thức: triển khai chiến lược một cách hoàn
hảo, đồng thời tạo ra giá trị theo những cách thức mới mẻ, sáng tạo. “Bản Đồ Chiến Lược”
là cuốn sách quan trọng cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào đang nỗ lực đạt được những mục tiêu
nói trên, trong bối cảnh môi trường kinh doanh đa dạng, với nhiều chủ thể liên quan khác
nhau”
Vanessa Kirsch & Kelly Fitzsimmons
Chủ tịch & Giám đốc Điều hành, Tập đoàn New Profit Inc.
Làm sao để hoạch định chiến lược và truyền thông chiến lược một cách rõ ràng đến mọi thành
viên ở tất cả các cấp trong toàn tổ chức? Lời đáp nằm ở “Bản Đồ Chiến Lược”. Đây cũng là công
cụ hữu hiệu bậc nhất để kết nối/đồng bộ công việc hằng ngày của từng thành viên với tầm nhìn,
sứ mệnh, mục tiêu và chiến lược chung của tổ chức.
Trong quyển sách này, Robert S. Kaplan và David P. Norton – “cha đẻ” của Thẻ điểm cân bằng –
đã đưa ra một bộ công cụ mới mang tính sáng tạo và đổi mới không hề kém so với Thẻ Điểm
Cân Bằng (Balanced Scorecard), đó chính là Bản Đồ Chiến Lược (Strategy Map) dựa trên công
trình nghiên cứu tại hơn 300 tổ chức qua hơn một thập niên.
Thông qua việc sử dụng nhiều ví dụ sinh động, các tác giả trình bày cách thức xây dựng những
Bản Đồ Chiến Lược tùy theo tình hình cụ thể của mỗi tổ chức. Với Bản Đồ Chiến Lược, chúng
ta có thể:
– Làm rõ chiến lược và truyền thông chiến lược đến toàn đội ngũ
– Xác định được những quy trình nội bộ quan trọng nhất, những thứ thúc đẩy thành công
về mặt chiến lược
– Sắp xếp, gắn kết các khoản đầu tư vào con người, công nghệ và nguồn vốn tổ chức sao
cho tạo ra tác động lớn nhất
– Phát hiện ra các lỗ hổng trong chiến lược, đưa ra hành động điều chỉnh kịp thời.
Có thể nói, các khuôn mẫu, nội dung chiến lược và tài sản vô hình là những viên gạch đặt nền
tảng cho sự hiểu biết và thực thi chiến lược. Chúng tạo ra nguyên liệu để các nhà lãnh đạo mô tả
và quản lý chiến lược ở mức độ chi tiết về vận hành. Bởi lẽ: Cái gì chúng ta không đo lường
được thì không quản lý được, nhưng cái gì chúng ta không mô tả được thì cũng không đo lường
được.
Cuốn sách Bản đồ chiến lược này sẽ cung cấp mối liên kết hiện còn thiếu giữa việc hoạch định
và triển khai chiến lược, đồng thời đây cũng là một cẩm nang mô tả, đo lường và kết nối các tài
sản vô hình để có được hiệu quả hoạt động vượt trội.
KPI – Thước đo mục tiêu trọng yếu
(Key Performance Indicator)
“Cái gì không đo được thì cũng không quản lý được;
Cái gì không đo được thì cũng không cải tiến được.”
– Peter Drucker (Cha đẻ Quản trị Kinh doanh hiện đại)
Nhiều nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó có nghiên cứu của Robert Kaplan, Ram Charan,
The Balanced Scorecard Institute và Tổ chức FranklinCovey, đã chỉ ra rằng:“70% thất bại của
các doanh nghiệp ngày nay không phải là do chiến lược kém hay tầm nhìn sai, mà là do năng lực
thực thi và hệ thống triển khai kém hiệu quả.”
Con số trên cho thấy công tác đo lường hiệu suất công việc (Performance Management) đang
được thực hiện thiếu hiệu quả trong rất nhiều tổ chức trên toàn thế giới, từ các tập đoàn đa quốc
gia, cơ quan chính phủ cho đến các tổ chức phi lợi nhuận. Họ đã và đang áp dụng các thước đo
mục tiêu vốn được đặt ra mà không có bất kỳ sự liên quan nào đến các nhân tố thành công quan
trọng của tổ chức mình.
Vậy làm sao để có thể sử dụng các thước đo mục tiêu một cách hiệu quả? KPI – Thước đo mục
tiêu trọng yếu (Key Performance Indicator) chính là cuốn sách sẽ cung cấp công cụ và
phương pháp để xây dựng hệ thống KPI hiệu quả dành cho mọi cá nhân, bộ phận và tổ chức
Nằm trong bộ sách “Triển khai chiến lược” do PACE dày công tìm kiếm, nghiên cứu và chọn
lọc, có thể nói KPI là quyển sách được thực hiện công phu nhất, đầy đủ nhất và phổ biến nhất
hiện nay. Cuốn sách này được biên soạn nhằm hỗ trợ các tổ chức trong việc xây dựng, triển khai
và sử dụng hiệu quả các Thước đo Mục tiêu Trọng yếu (Key Performance Indicator; viết tắt KPI)
– các thước đo hiệu quả công việc sẽ tạo ra sự khác biệt sâu sắc cho tổ chức của bạn.
Tác giả của quyển sách, David Partmenter, là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực KPI,
thay thế quy trình hoạch định hàng năm bằng hoạch định cuốn chiếu hàng quý và các thông lệ tài
chính tinh gọn. Ông đã phát triển các bước triển khai rõ ràng, giúp các nhà lãnh đạo tránh được
những hạn chế trong quá trình sử dụng các KPI và tạo ra các KPI phản ánh một cách có ý nghĩa
hiệu suất ngắn hạn và dài hạn của tổ chức.
Việc triển khai dự án KPI phản ánh văn hóa, trạng thái sẵn sàng cho tương lai của tổ chức, mức
độ cam kết của CEO và nhóm quản lý cấp cao, cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân
viên được tuyển chọn để tiến hành dự án.
Với bất kỳ ai quan tâm đến KPI, thì tác phẩm của David Parmenter sẽ là lựa chọn hàng đầu.
9 BƯỚC TRIỂN KHAI BALANCED SCORECARD
Phương pháp độc quyền từ Balanced Scorecard Institute Hoa Kỳ (BSI) nhằm đơn giản hóa việc hoạch định chiến lược và xây dựng hệ thống quản lý theo Balanced Scorecard (Thẻ điểm cân bằng).
Tác giả hiểu rằng hầu hết các tổ chức không thể xây dựng một hệ thống Thẻ điểm Cân bằng khi không có một quy trình từng bước đơn giản nhưng chính thống. Vì không có khung hoạch định chiến lược chặt chẽ ngay từ đầu của quy trình nên những đơn vị đầu tiên áp dụng Thẻ điểm Cân bằng đã:
- Thất bại trong việc hình thành chiến lược một cách có hệ thống trước khi xây dựng các chỉ số đo.
- Thất bại trong việc truyền thông chiến lược một cách rõ ràng đến nhân viên và các đối tác.
- Thất bại trong việc mô tả xây dựng các chỉ số đo cho các kết quả đầu ra mong muốn.
- Thất bại trong việc lập thứ tự ưu tiên cho công việc của họ và gắn kết công việc với chiến lược.
- Thất bại trong việc hiểu rằng hệ thống Thẻ điểm Cân bằng là một sáng kiến quản lý sự thay đổi quan trọng cho toàn bộ tổ chức.
Phương pháp của BSI là giải pháp đi theo từng bước, thực tế và hiệu quả, nhằm quản lý và hoạch định chiến lược. Các nhà quản lý và CEO khi dùng phương pháp luận này đã có thể hình thành và diễn đạt rõ ràng chiến lược tổng quát, và tạo nên sự gắn kết quanh tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược kinh doanh của đơn vị, ngân sách, vận hành và công việc của nhân viên – đồng thời tạo ra sự gắn kết của nhân viên.
VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VÀ SỰ LÃNH ĐẠO
Càng thăng tiến lên những vị trí quản lý cao hơn thì chúng ta càng nhìn thấy được nhiều nội dung phức tạp hơn của “chuyện công ty” và sự ảnh hưởng đáng kể của nó đối với mọi khía cạnh hoạt động của tổ chức. Ai đang thực sự nắm quyền lực và người đó muốn gì? Sắp tới ai “lên”, ai “xuống” và tại sao? Ai đang “chơi thân” với ai, động cơ của việc kết thân đó là gì? Ai đang “play game” với ai, và liệu có thắng cuộc được chăng? Rất nhiều câu chuyện sôi nổi và có khi đầy kịch tính, một phần trong số đó là chuyện “hậu trường”, xoay quanh những chủ đề dạng này. Đã có nhiều người gọi đây là hoạt động chính trị doanh nghiệp. Đối với các nhân viên thuộc cấp, nếu có hiểu biết về “chuyện công ty” thì sẽ thuận lợi hơn khi làm việc và có nhiều cơ hội phát triển hơn. Đối với những người lãnh đạo doanh nghiệp, việc kiểm soát được bầu không khí chính trị trong tổ chức là một yếu tố then chốt để có thể dẫn dắt đội ngũ của mình theo định hướng mong muốn.
Một công cụ vô cùng hữu hiệu, nhất là đối với những người lãnh đạo, để đạt được mục đích nói trên là “văn hóa doanh nghiệp”. Nói nôm na, văn hóa doanh nghiệp là những quan niệm và lối hành xử theo cách riêng của doanh nghiệp, “ở đây mọi người nghĩ và làm như vậy đó”. Sách này trình bày phương pháp tiếp cận để có được những hiểu biết sâu sắc và toàn diện về văn hóa doanh nghiệp cùng với những hàm ý dành cho công tác lãnh đạo, được Giáo sư Edgar Schein phân tích nghiên cứu và đúc kết từ những trải nghiệm thực tiễn của ông trong nhiều thập niên.
TÁI TẠO KÉP
Những gã khổng lồ kềnh càng di chuyển chậm chạp sẽ bị chính trọng lượng cơ thể của chúng đè bẹp. Các công ty khởi nghiệp mang tính cải cách, được lãnh đạo bởi những doanh nhân trẻ, lôi cuốn, sẵn sàng tiếp thu những điều mới trong công nghệ đang tạo ra những mô hình kinh doanh mới và thực sự là những loại hình tổ chức mới. Sự đột phá cái cũ đã mở toang cánh cửa vào thị trường từng bị hạn chế trước đây, mang đến giải pháp mới cho hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ con người.Và rồi những doanh nghiệp khởi nghiệp này dần trở thành những gã khổng lồ kềnh càng và phải chịu số phận bị thế hệ kế tiếp lật đổ. Chu kỳ luôn là như thế.
Đó cũng chính là thách thức lớn nhất mà các nhà lãnh đạo ngày nay phải đương đầu. Việc tạo ra một doanh nghiệp mới từ đầu đã là rất khó khăn, nhưng những người điều hành công ty hiện tại còn phải đương đầu với một thách thức kép (Dual Challenge): vừa phải tạo ra việc kinh doanh mới nhưng đồng thời phải ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng nghỉ vào việc vận hành hiện tại, cái đang cung cấp dòng tiền mặt và năng lực để đầu tư vào tăng trưởng.
Thế nên, nếu các nhà lãnh đạo có thể khai thác các nguồn lực cơ bản đằng sau những thay đổi để tạo ra những đợt tăng trưởng mới cho công ty của họ thì sao? “Tái tạo kép” chính là cuốn sách chứa đựng lời giải đáp cho các thách thức nêu trên. Các tình huống đưa ra nghiên cứu trong cuốn sách này đại diện cho những ví dụ có ý nghĩa, mang tính giáo dục mà các tác giả đã trực tiếp trải qua hoặc dày công nghiên cứu.
Cuộc hành trình “Tái tạo kép” trong cuốn sách này chính là những hiểu biết sâu sắc từ các nhà lãnh đạo đa dạng dựa trên kinh nghiệm của chính họ, mang lại cho các nhà quản lý doanh nghiệp cách thức tái định vị ngành kinh doanh hiện tại, đồng thời sáng tạo tương lai.
THÁCH THỨC SÁNG TẠO
Thách thức sáng tạo viết về sự thất bại của các công ty hàng đầu trong một số ngành công nghiệp khi họ đối mặt với một số loại hình thay đổi của thị trường và công nghệ. Nó xác định vấn đề của các công nghệ đột phá và mô tả cách thức để có thể quản lý chúng, thận trọng trình bày về cái mà các nhà nghiên cứu gọi là giá trị bên trong và bên ngoài của cách thức này.
Sách trình bày lý do tại sao các công ty hàng đầu luôn luôn chú tâm vào cuộc cạnh tranh, lắng nghe khách hàng một cách khôn ngoan, và đầu tư quyết liệt cho các công nghệ mới mà vẫn có thể đánh mất vị thế dẫn đầu thị trường khi phải đối mặt với các thay đổi mang tính đột phá trong công nghệ và cấu trúc thị trường, và nó cũng trình bày cách thức để tránh né định mệnh này.
Khái niệm về công nghệ ở đây được mở rộng ra ngoài phạm vi kỹ thuật và sản xuất để bao gồm nhiều lĩnh vực khác như marketing, đầu tư, và quy trình quản lý. Sự sáng tạo, cải tiến được đề cập trong sách này có liên quan đến sư thay đổi của một trong những công nghệ nói trên.
Vận dụng các bài học thành công cũng như thất bại của những công ty hàng đầu, Thách thức sáng tạo đã trình bày tập hợp các nguyên tắc để tận dụng hiện tượng sáng tạo đột phá. Các nguyên tắc này sẽ giúp nhà lãnh đạo quyết định khi nào không nên lắng nghe khách hàng, khi nào nên theo đuổi các thị trường nhỏ hơn chứ không phải là các thị trường dường như rộng lớn hơn và sinh lợi nhiều hơn
Nhiều công ty – cho dù họ là nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ cao hay thấp, tham gia môi trường cạnh tranh thay đổi nhanh hay chậm – hiện đang đối mặt với thách thức sáng tạo mang tính tiến thoái lưỡng nan. Theo sát khách hàng là điều thiết yếu để thành công trong hiện tại, nhưng sự tăng trưởng và lợi nhuận trong dài hạn lại thường phụ thuộc vào một công thức quản lý rất khác. Sách này sẽ giúp các nhà quản lý nhìn thấy những thay đổi có thể xảy ra trên lộ trình phát triển và trình bày phương thức đối phó.
Không chỉ là cuốn sách “gối đầu giường” về sáng tạo của Steve Job hay Jeff Bezos, tác phẩm quản trị kinh điển này tiếp tục là tiền đề và nền tảng cho những nhà lãnh đạo và tổ chức có tính sáng tạo cao nhất thế giới ngày nay.
PHƯƠNG PHÁP KAIZEN
Mặc dù cái tên Kaizen nghe có vẻ lạ lẫm nhưng khái niệm những bước đi nhỏ tạo ra sự cải thiện liên tục đã được áp dụng lần đầu tiên một cách có hệ thống trong thời kỳ Đại suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Qua quyển sách này, bạn sẽ hiểu rằng thay đổi không phải là một phản ứng chống trả chỉ xảy ra trong các tình huống nguy cấp. Những sự thay đổi vĩ đại đều có thể thực hiện thông qua các bước nhỏ:
- Đặt ra những câu hỏi nhỏ
- Đi theo những suy nghĩ nhỏ
- Thực hiện những hành động nhỏ
- Giải quyết các vấn đề nhỏ
Các bước nhỏ đánh lừa không cho bộ não tạo ra sự chống đối với các thói quen, hành vi mới. Vì vậy, cho dù mục tiêu của bạn là gì – giảm cân, bỏ thuốc lá, viết một cuốn sách, bắt đầu một chương trình luyện tập, hoặc tìm kiếm tình yêu của cuộc đời mình – thì kỹ thuật Kaizen đầy sức mạnh chính là phương thức để giúp bạn đạt được chúng.
Nếu bạn mong muốn tạo ra một sự thay đổi – sự thay đổi bền vững – hy vọng bạn sẽ tiếp tục đọc cuốn sách này. Phương pháp này là một bí quyết mở, vốn được lưu hành rộng rãi giữa các công ty kinh doanh Nhật Bản hàng thập kỷ qua và được sử dụng hàng ngày một cách riêng tư bởi các cá nhân trên toàn thế giới.
“Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi đọc được quyển sách này! Thật là một phương pháp nhẹ nhàng và đơn giản để giải quyết tất cả mọi khó khăn trong cuộc sống của chúng ta“ – Tiến sĩ Susan Jeffers Tác giả quyển sách “Feel the Fear and Do It Anyway”
CẢI TỔ DOANH NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thực sự làm đảo lộn các chiến lược kinh doanh truyền thống. Các nguyên tắc trong kinh doanh đã thay đổi. Trong mỗi ngành công nghiệp, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của các công nghệ số mới, sự nổi lên của những nguy cơ gây gián đoạn, thay thế, cũng như sự biến đổi về mô hình và quy trình kinh doanh.
Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số không phải là vấn đề về công nghệ – mà đó là vấn đề về chiến lược và cách tư duy mới. Chuyển đổi trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức về chiến lược chứ không phải nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin. Sự thật này được phản ánh ở vai trò thay đổi của lãnh đạo công nghệ trong kinh doanh.
Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số trình bày cách thức mà các doanh nghiệp có xuất phát điểm từ giai đoạn trước thời đại số có thể chuyển đổi, tái tạo các kế hoạch và chiến lược của họ, từ đó tận dụng được những cơ hội mới trong thế giới kỹ thuật số ngày nay.
Rất nhiều cuốn sách đưa ra lời khuyên cho các công ty khởi nghiệp trong thời đại số, nhưng đây là cuốn sách đầu tiên chỉ ra cách tiếp cận để chuyển đổi một doanh nghiệp thành lập từ trước thời kỳ phát triển của Internet, giúp họ tiếp tục thành công trong thời đại số. Có thể xem đây là một cẩm nang không thể bỏ qua của các nhà lãnh đạo đang có mong muốn đưa tổ chức của mình tiến lên một giai đoạn tăng trưởng có lợi nhuận tiếp theo.
LÃNH ĐẠO ĐÍCH THỰC
“Trong thời buổi mà người ta đánh giá cao thuật lãnh đạo có đạo đức hơn bao giờ hết, Bill George đã chỉ ra con đường một cách rõ ràng và đầy thuyết phục. Ông trình bày vấn đề với uy tín học thuật cao, đưa ra được thông điệp quan trọng. Lãnh đạo đích thực vừa có tính thuyết phục vừa truyền được cảm hứng cho độc giả, đây là một cẩm nang quý cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào.”
– Daniel Goleman (tác giả các sách Emotional Intelligence & Primal Leadership)
Tác giả Bill George – Giáo sư về khoa học lãnh đạo của Đại Học Harvard, đồng thời từng là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp đặc biệt thành công – ông đã viết cuốn sách Lãnh Đạo Đích Thực này để nhắn nhủ với các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai rằng có một cách tốt hơn để dẫn dắt công ty: đó chính là cách thức xây dựng một tổ chức bền vững và làm lợi cho mọi chủ thể liên quan, khách hàng, người lao động và cổ đông. Điều đó không có nghĩa là nhà lãnh đạo đích thực sẽ không được tưởng thưởng cho những nỗ lực của mình. Ngược lại, phần thưởng của họ sẽ vượt xa hơn những phần thưởng tài chính thông thường, mà trở thành sự thỏa mãn khi tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của khách hàng, tạo ra cơ hội cho nhân viên, tạo ra lợi nhuận cao trong dài hạn cho các cổ đông. Đồng thời, nhà lãnh đạo đích thực cũng có một cuộc sống chính trực và luôn dành thời gian cho gia đình họ.
BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC TRONG CÔNG VIỆC
Bản đồ chỉ đường đến Hạnh phúc trong công việc
Cuốn sách này sẽ cung cấp thông tin và các công cụ mà bạn cần để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn của sự bất mãn, để tìm kiếm ý nghĩa, hy vọng và tình bạn trong công việc hàng ngày. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả Annie McKee đưa ra tấm bản đồ dẫn bạn đến hạnh phúc cá nhân, tạo ra môi trường cộng hưởng để những người khác cũng hạnh phúc và thành công. Trên suốt chặng đường đó, bà trình bày những bài tập suy ngẫm và những lời khuyên thiết thực để bạn nối lại liên lạc với những thứ quan trọng nhất với bạn và cải thiện những mối quan hệ trong công việc của bạn.
Dựa trên những nghiên cứu sâu rộng, cùng với những câu chuyện sống động, chân thực trong cuộc sống và lay động lòng người, quyển sách này trình bày cách thức mà các nhà lãnh đạo sử dụng những trụ cột mạnh mẽ để tạo ra và duy trì hạnh phúc, ngay cả khi họ đang chịu nhiều áp lực. “Bí quyết hạnh phúc trong công việc” đào sâu hiểu biết của chúng ta về sự thỏa mãn và hiệu quả thực sự trong công việc, cuốn sách này cung cấp những lời khuyên, chỉ dẫn rõ ràng và thực tế để đạt được điều đó – dù bạn đang làm công việc gì.
4 NGUYÊN TẮC THỰC THI
Bạn còn nhớ lần gần nhất phải chứng kiến một sángkiến quan trọng trong tổ chức mình chết dần không?
Các sáng kiến đó bị bóp nghẹt một cách thầm lặng bởi những ưu tiên mangtính cạnh tranh khác?Thậm chí có vẻ như chẳng ai từng chú ý đến ý tưởng đó cho đến khi nó chính thức biến mất!
Điều gì đã xảy ra?
Chính “cơn lốc” của những việc khẩn cấp cần thiết để giữ cho mọi thứ vận hành đều đặn hàng ngày đã hút hết toàn bộ thời gian và năng lượng mà bạn cần để đầu tư cho việc thực thi những chiến lược của tương lai! 4 Nguyên Tắc Thực Thi có thể thay đổi điều đó vĩnh viễn.
Tiến sỹ Stephen R. Covey, tác giả cuốn sách bán chạy nhất 7 Thói Quen Hiệu Quả đã đưa ra nhận xét về quyển 4 Nguyên Tắc Thực Thi như sau: “Trong thời đại công nghiệp đầy những kỹ thuật quản trị kiểu áp đặt từ trên xuống và mang tính kiểm soát, 4 Nguyên tắc này đã đưa ra một cách tiếp cận của thời đại kinh tế tri thức cho câu chuyện thực hiện các mục tiêu và chiến lược; một cách tiếp cận theo hướng giải phóng, lôi kéo được trái tim và tâm trí của con người cùng hướng đến một mục tiêu chung mà tôi chưa từng thấy trước đây. Đây thật sự là một công trình sâu sắc!”
4 Nguyên Tắc Thực Thi không chỉ là lý thuyết. Đây là một bộ các cách làm đã được kiểm chứng và hoàn thiện bởi hàng trăm tổ chức và hàng ngàn đội ngũ trong nhiều năm tháng. Khi một công ty hay một cá nhân tuân thủ các nguyên tắc này, họ đạt được những kết quả vượt trội – bất kể đó là mục tiêu gì. 4 Nguyên Tắc Thực Thi đại diện cho một cách nghĩ và cách làm mới cần có để vươn lên trong môi trường đầy cạnh tranh ngày nay. Nói một cách đơn giản, đây là cuốn sách mà không một nhà lãnh đạo nào có thể bỏ lỡ.
LÃNH ĐẠO THEO NGUYÊN TẮC
Quyển sách “Lãnh đạo theo nguyên tắc” chính là câu trả lời của tác giả Stephen R. Covey cho mọi vấn đề nan giải của lãnh đạo. Tiến sỹ Covey là tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng toàn cầu, bên cạnh quyển “7 Thói quen Hiệu quả” vốn được đánh giá là quyển sách về quản trị có ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ 20, thì “Lãnh đạo theo nguyên tắc” là một trong hai quyển sách bán chạy nhất của ông trong thập kỷ qua.
Trong các buổi thảo luận của mình, tác giả Covey thường mời các nhà quản lý, lãnh đạo chia sẻ những vấn đề gai góc nhất, hóc búa nhất mà họ gặp phải, và ông đã đúc kết được rằng đa phần chúng đều liên quan đến những xung đột, hay điều nan giải mà phương pháp tiếp cận thông thường không thể nào xử lý được. Điển hình như:
- Làm thế nào để chúng ta với tư cách là các cá nhân, tổ chức có thể nỗ lực và phát triển trong môi trường thay đổi và biến động khôn lường?
- Tại sao mọi nỗ lực để cải thiện đều đem lại kết quả thực tế không như mong đợi, dù ta đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian, vốn liếng và nỗ lực làm việc?
- Làm thế nào để chúng ta giải phóng được sức sáng tạo, tài năng, năng lượng bên trong chính mình và người khác giữa tâm bão của áp lực công việc?
- Liệu có thực tế hay không khi tin rằng, sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân, gia đình và sự nghiệp là có thể thực hiện được?…
Tiến sỹ Covey đã cung cấp trong cuốn sách “Lãnh đạo theo nguyên tắc” những hiểu biết và hướng dẫn có thể giúp bạn áp dụng các nguyên tắc này trong cả công việc lẫn gia đình, nhằm dẫn dắt chúng ta không chỉ là sự hiểu biết mới về cách gia tăng chất lượng và năng suất, mà còn là cả một sự trân trọng mới về tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân, công việc nhằm mục đích tận hưởng một cuộc sống cân bằng, thụ hưởng và hiệu quả hơn.
“Cứ như thể cuốn sách đầu tiên của Covey – “7 Thói quen Hiệu quả” là chưa đủ.
Cuốn sách mới này, “Lãnh đạo theo nguyên tắc”, là một thành tựu đích thực.”
– Thomas R. Horton, Chủ tịch Hiệp hội Quản trị Hoa Kỳ.
TỐC ĐỘ CỦA NIỀM TIN
Cuốn sách này chỉ ra rằng, muốn có thương hiệu uy tín (Trusted Brand) thì cần phải có một tổ chức đáng tin (Trusted Organization); muốn có một tổ chức đáng tin thì cần phải có đội ngũ đáng tin (Trusted Team); muốn có đội ngũ đáng tin thì cần phải có con người đáng tin (Trusted People).
Khi một người muốn được tin cậy bởi người khác (Trusted by Others) thì trước hết người đó phải có “tự trọng / sự đáng tin từ bên trong” (Self-Trust). Nếu tự mình thấy mình không đáng tin thì sẽ không bao giờ có được sự tin cậy của người khác. Ngược lại, khi mình thực sự có “Self-Trust” (có thiện căn và đức tin, có lương tri và phẩm giá ở bên trong con người mình) thì mặc nhiên mình sẽ nhận được sự tin cậy của người khác.
Như vậy, một thương hiệu uy tín (Trusted Brand) sẽ là hệ quả của những con người đáng tin (Trusted People), đội ngũ đáng tin (Trusted Team) và tổ chức đáng tin (Trusted Organization). Nói cách khác, hành trình từ “Tự trọng cá nhân” (Self-Trust) đến “Thương hiệu tổ chức” (Trusted Brand) cũng chính là cách thức xây dựng thương hiệu hay nhất, hiệu quả nhất và bền vững nhất đối với mọi tổ chức và mọi doanh nghiệp.
Với phương cách độc đáo này, xây dựng thương hiệu không chỉ là công việc của bộ phận Marketing hay công việc của Ban lãnh đạo Công ty như lâu nay, mà đó còn là trách nhiệm thực sự của mỗi thành viên trong toàn tổ chức. Nói cách khác, mỗi nhân viên đều là người xây dựng thương hiệu công ty.
Giá trị lớn nhất của doanh nghiệp không phải là “cái hiệu” mà là “cái hiệu được thương” (thương hiệu); Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp không phải là con người, mà là con người đáng tin. Và “đáng tin” không chỉ là “thương hiệu”, là “tài sản”, là “văn hóa” (văn hóa cá nhân, văn hóa tổ chức, văn hóa xã hội…), mà còn là “doanh thu”, là “chi phí” của doanh nghiệp. Bởi lẽ, khi có thương hiệu mạnh thì doanh thu sẽ tăng, chi phí sẽ giảm và hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhanh và tăng bền vững.
TẦM VÓC ĐÍCH THỰC
“Tầm vóc đích thực” (Primary greatness) là chính con người thực sự của bạn – bản tính của bạn, sự chính trực của bạn, những động cơ và mong muốn sâu xa nhất của bạn.
“Tầm vóc hệ quả” (Secondary greatness) là sự nổi tiếng, tước hiệu, địa vị, danh tiếng, giàu có v.v…, nói chung là những hào nhoáng bên ngoài. Tác giả khuyên chúng ta đừng lo lắng về tầm vóc thứ yếu này mà hãy tập trung vào tầm vóc đích thực. Ông nhấn mạnh rằng “tầm vóc hệ quả” là điều tự nhiên sẽ đến với những người đã đạt tới “tầm vóc đích thực”; giống như câu nói nổi tiếng: “Đừng chạy theo thành công, hãy theo đuổi sự ưu tú. Khi đó, thành công sẽ theo đuổi bạn”.
“Khi cuộc sống đè nặng lên bạn với những vấn đề và nỗi thất vọng, đôi khi bạn có cảm giá thất bại và khó tiến về phía trước dù chỉ một bước nhỏ, chứ chưa nói đến việc hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong cuốn “Tầm vóc đích thực”, Stephen R.Covey cho chúng ta 12 nguyên tắc sống để có được tính cách, sự can đảm và sự tự tin cần thiết để vượt qua những khó khăn và xây dựng một cuộc sống tuyệt vời nhất của mỗi người.” – Muhammad Yunus, Giải Nobel Hòa Bình 2006
12 đòn bẩy cho tầm vóc mới của tiến sĩ Covey cung cấp trong cuốn sách này được đặt trên nền tảng nghiên cứu chuyên sâu của ông và kinh nghiệm làm việc lâu năm với hàng ngàn người trên khắp thế giới. Nối kết tất cả với nhau, 12 đòn bẩy này làm cho đời sống của bạn trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Bằng cách sử dụng những đòn bẩy này, bạn làm cho tính cách bản thân trở nên mạnh mẽ, đồng thời nâng cao ảnh hưởng của bạn đối với người khác. “Tầm vóc đích thực” là hệ quả tất yếu của việc theo đuổi những đòn bẩy này.
KHỞI NGHIỆP TINH GỌN
Nhiều dự án khởi nghiệp thất bại không phải vì ý tưởng không tốt, chiến lược kém hay tầm nhìn sai, mà cốt lõi của mọi vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không có được một mô hình và phương pháp để khởi nghiệp thành công. Vì khởi nghiệp không giống với thành lập và điều hành một công ty theo dạng truyền thống, nên nó cần một mô hình và phương pháp quản trị riêng.
Trong quản trị kinh doanh, việc khởi tạo một doanh nghiệp mới hay tái tạo một mô hình kinh doanh cũ luôn có những bài học mà nếu không trả giá thì không thể học được, thậm chí là phải trả giá nhiều lần, trả giá đắt, rất đắt thì mới có thể học được. Tuy nhiên, cũng có những bài học mà không cần phải trả giá vẫn có thể học được. Vậy tại sao không học để bớt phải trả giá? Những bài học đắt giá đó nằm trong cuốn sách đặc biệt này.
“Khởi nghiệp Tinh gọn” không chỉ cung cấp những kiến thức nền tảng về phương pháp đã được áp dụng bởi rất nhiều tên tuổi lẫy lừng trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo này; mà còn trang bị những phương pháp giúp tăng khả năng thành công, đồng thời cũng giảm thiểu tối đa rủi ro trên hành trình khởi nghiệp hoặc phát triển sản phẩm mới, tái tạo doanh nghiệp của các doanh nhân.
Đặc biệt, cách tư duy và những phương pháp trong cuốn sách này không chỉ áp dụng cho những siêu tập đoàn toàn cầu, mà còn áp dụng rất phù hợp cho những doanh nghiệp nhỏ, hay siêu nhỏ. Dù ở quy mô nào hay đang ở đâu trên hành trình kinh doanh, đã đến lúc chúng ta cần phải tư duy một cách TINH GỌN!
CHỐT SALES – ĐÀM PHÁN THÀNH CÔNG
Với quy trình gồm 5 kỹ năng bán hàng giúp bạn đạt được kết quả “đôi bên cùng có lợi”, cùng chi tiết các cách thức áp dụng các kỹ năng này vào thực tế công việc của mỗi cá nhân, quyển sách này sẽ giúp các chuyên gia bán hàng:
- Biến mỗi lần tương tác với khách hàng thành một cơ hội để họ ra quyết định.
- Điều hướng, tác động được quá trình ra quyết định khiến mỗi quyết định được chính xác và thành công hơn.
- Giúp cho khách hàng ra quyết định nhanh chóng, rút ngắn quy trình bán hàng.
- Vận dụng sự thấu hiểu và tư duy logic để xử lý phản đối.
- Cải thiện tỷ lệ thành công của bạn bằng cách cải thiện kết quả đầu ra cho khách hàng.
Những chuyên gia và lãnh đạo trên toàn thế giới đã áp dụng phương pháp trong cuốn sách này – họ đã trở thành những người có hiệu quả dẫn đầu, họ tạo ra các quyết định đúng đắn đem lại lợi ích cho bản thân lẫn khách hàng. Đó chính là điểm mấu chốt của thành công bền vững: họ tạo ra nhiều giá trị hơn, nhiều thành công hơn, nhiều niềm tin hơn, và nhiều thương vụ hơn… và rồi mọi thứ sẽ tự lặp lại, trở thành những vòng tuần hoàn theo hướng đi lên, tiến triển không ngừng và ngày một đa dạng. Quyển sách này sẽ giúp bạn khởi đầu cho vòng tuần hoàn tuyệt vời đó!
5 Lựa chọn để có năng suất vượt trội
Khi bạn cầm cuốn sách này lên, có thể đó là vì một trong hai lý do dưới đây:
1. Bạn đang tìm kiếm một vài ý tưởng mới để có thể làm việc hiệu quả hơn. Bạn có thể đang xoay xở rất tốt nhưng bạn muốn cải thiện tốt hơn nữa. Bạn muốn quản lý thời gian của mình tốt hơn, để làm được nhiều việc hơn mỗi ngày. Bạn có thể muốn tạo ra nhiều sự khác biệt hơn, để thăng tiến trong sự nghiệp. Để có nhiều thời gian hơn dành cho những người quan trọng đối với bạn, hoặc để hoàn thành một vài mục tiêu thực sự quan trọng.
2. Bạn cảm thấy như bị chôn sống mỗi ngày, và bạn muốn nhận được sự giúp đỡ nghiêm túc. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy giống Jaivon hơn – vật lộn để đứng trên ngọn núi ngày một cao hơn của những việc cần làm, những yêu cầu và quyết định không ngừng ập đến với bạn. Bạn có thể cảm thấy mất cân bằng và hiếm có thời gian dành cho bản thân. Bạn có thể thấy rằng sức khỏe và các mối quan hệ của mình đang trở nên tồi tệ và mục tiêu chính của bạn chỉ là xoay xở để làm sao vượt qua một ngày mà vẫn còn nguyên vẹn. Bạn biết rằng nếu một thứ gì đó không sớm thay đổi, bạn có thể sẽ bị nổ tung.
Mục đích của cuốn sách này là nhằm giúp bạn thoát ra khỏi ngọn núi sỏi đó, hít một hơi thật sâu không khí trong lành, và giành lại cuộc sống của mình. Các tác giả sẽ giúp bạn đào đường ra bằng cách cung cấp cho bạn những nguyên lý, quá trình, và công cụ để giúp bạn thay đổi tình thế – một con đường thiết thực để vượt qua sự chuyên chế của dòng chảy không có điểm dừng của những việc đang ập tới. Đây không phải là những công thức ma thuật có tác dụng ngay lập tức. Chúng đòi hỏi nhiều sự nỗ lực, và mỗi chương chứa những thứ đơn giản nhưng đầy uy lực mà bạn có thể thực hiện ngay lập tức và sẽ có tác động đáng kể đến cuộc sống của bạn.
7 Thói Quen Hiệu Quả
Trích lời giới thiệu của nhà giáo Giản Tư Trung – tác giả sách Đúng Việc (lời giới thiệu chỉ có trong ấn bản tiếng Việt được dịch bởi FranklinCovey Việt Nam):
Tên đầy đủ của cuốn sách này, nếu dịch sát nghĩa sẽ là: “7 Thói quen của người có hiệu quả vượt trội”, còn nếu dịch một cách ngắn gọn nhưng vẫn sâu sắc sẽ là “7 Thói quen Hiệu quả”. Gần như Stephen Covey đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về tính hiệu quả của con người, để đi tìm câu trả lời cho ba câu hỏi lớn lao, đó là: “Vì sao con người ta trở nên ít hiệu quả?”, “Điều gì làm cho con người ta trở nên hiệu quả cao?” và “Điều gì tạo nên hiệu quả bền vững?”, và “7 Habits” chính là sự đúc kết sự nghiệp nghiên cứu cả đời của ông cho ba câu hỏi mang tính “muôn đời” đó.
Mơ ước của hầu hết mọi người trong đời là trở thành một con người thành công và hạnh phúc bằng chính tài năng và đạo đức của mình. Ở bình diện tổ chức hay các quốc gia cũng vậy. Một tổ chức hay quốc gia càng có nhiều người hướng đến thành công bằng tài năng và đạo đức, tổ chức hay quốc gia đó càng có cơ hội phát triển thịnh vượng và văn minh. Tài năng và đạo đức đã trở thành những phẩm chất được tìm kiếm và tôn vinh hàng đầu trong mọi xã hội và mọi thời đại, và chúng có một mối liên quan chặt chẽ với với hiệu quả và hiệu quả bền vững. Cần có tài năng thì mới tạo ra được hiệu quả, cần có đạo đức thì mới tạo ra được hiệu quả bền vững. Và ngược lại, không ai có thể được xem là tài năng nếu không tạo ra hiệu quả, cũng như không ai có thể được coi là có đạo đức nếu như việc tạo ra hiệu quả đó chỉ là nhất thời chứ không mang tính bền vững, bởi lẽ, để tạo ra hiệu quả bền vững thì luôn phải dựa trên nền tảng đạo đức. Vì thế, câu trả lời về “hiệu quả” cũng chính là “lời đáp” cho câu chuyện về tài năng và đạo đức mà nhiều người tìm kiếm, mà lại là một “lời đáp” được đúc kết bằng việc chuyển hóa một hệ thống giá trị ở bên trong để hình thành bản tính thành công bền vững của con người, chứ hoàn toàn không phải là những chiêu trò hay thủ thuật ở bên ngoài.Chỉ có học thực, mới có năng lực thực; chỉ có năng lực thực, mới có thể làm thực; chỉ có làm thực, mới có thể tạo ra giá trị thực; chỉ có tạo ra giá trị thực, mới có thể sống thực. Tất cả, bắt đầu từ thực học (PACE, 2001)
Nguồn: https://thebookcorner.vn