Khái niệm “Quản trị tri thức” mới chỉ thực sự xuất hiện và bắt đầu được nghiên cứu bởi các học giả về quản trị từ những năm 80 của thế kỷ 20. Theo Dalkir (2005), sự phát triển của khái niệm quản trị tri thức kể từ những năm 1980 đến nay đã trải qua ba giai đoạn.
Ba giai đoạn phát triển của khái niệm Quản trị tri thức
Giai đoạn hay làn sóng đầu tiên của khái niệm QTTT gắn với sáng kiến của các tập đoàn lớn trên thế giới, do nhóm Big 4 (các công ty tư vấn hàng đầu: KPMG, PWC, E&Y,…) khởi xướng, tập trung vào việc xây dựng các hạ tầng công nghệ QTTT bao gồm: hệ thống thông tin quản lý nội bộ, mạng intranet, groupware, cơ sở dữ liệu,… nhằm tạo ra bể chứa tri thức (knowledge repository) cho tổ chức.
Giai đoạn thứ hai được đánh dấu bằng việc chuyển trọng tâm của các chương trình QTTT từ yếu tố công nghệ sang yếu tố con người và khẳng định vai trò chủ đạo của các yếu tố văn hóa và nhân sự đối với sự thành công của quản trị tri thức. Xuất phát điểm của giai đoạn thứ hai là việc người ta nhận ra rằng, để thành công, các dự án quản trị tri thức phải đạt được sự ủng hộ từ dưới lên (bottom-up), thông qua việc hình thành các cộng đồng chia sẻ tri thức (communities of practice) trong tổ chức.
Giai đoạn hay làn sóng thứ ba của khái niệm quản trị tri thức diễn ra trong giai đoạn hiện nay, theo Snowden (2002) là tập trung vào bối cảnh, vào việc mô tả và tổ chức các nội dung giúp những người sử dụng cuối cùng biết được nguồn cung cấp tri thức trong tổ chức và làm thế nào tiếp cận với nguồn tri thức đó cũng như cách sử dụng tri thức một cách hiệu quả.
Bảng 1.4 Quá trình phát triển của khái niệm quản trị tri thức
CÁC MỐC PHÁT TRIỂN KHÁI NIỆM QUẢN TRỊ TRI THỨC
Năm Tổ chức/Cá nhân Sự kiện
1980 DEC, CMU Hệ thống chuyên gia XCON
1986 Tiến sĩ K. Wiig giới thiệu khái niệm QTTT tại LHQ
1989 Các công ty tư vấn Bắt đầu triển khai các dự án QTTT nội bộ
1991 tạp chí HBR Nonaka & Takeuchi
1993 Tiến sĩ K. Wiig Xuất bản sách đầu tiên về QTTT
1994 Mạng lưới QTTT Tổ chức hội thảo QTTT đầu tiên
giữa 1990s Các công ty tư vấn Bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn triển khai QTTT
Cuối 1990s Các ngành công nghiệp Triển khai dự án QTTT, bắt đầu nhận thành quả
2000-2003 Giới học thuật Mở các khóa học về QTTT tại các trường đại học
Nguồn: Kimiz Dalkir (2005), Knowledge Management in Theory and Practice, Elsevier Inc.
Shin và ctg (2001) cho rằng đến nay vẫn chưa có một định nghĩa nào về QTTT được tất cả mọi người thừa nhận. Một lý do quan trọng là đang có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất và đặc điểm của tri thức tổ chức, dẫn tới việc có các định nghĩa khác nhau về QTTT. Ví dụ Davenport và ctg (1998), dựa trên quan điểm coi tri thức là nguồn lực quan trọng của tổ chức, định nghĩa QTTT là một quá trình thu thập, phân phối và sử dụng hiệu quả nguồn lực tri thức trong toàn bộ tổ chức. O’Dell và Grayson (1998) quan tâm nhiều tới đặc tính quá trình của tri thức và lập luận rằng QTTT là chiến lược mà tổ chức cần xây dựng để đảm bảo tri thức tới được đúng người vào đúng thời điểm và người sở hữu tri thức phải chia sẻ và sử dụng thông tin, tri thức để cải thiện hoạt động của tổ chức.
Có thể nói, nội hàm của khái niệm “Quản trị tri thức” chưa thực sự được làm rõ trong hệ thống lý thuyết hiện tại về tri thức tổ chức. Liebowitz (2000 với cách tiếp cận tổng thể, đã định nghĩa QTTT là tổng hòa của các yếu tố: hệ thống dựa vào tri thức, trí tuệ nhân tạo, phần mềm, đổi mới quy trình kinh doanh, quản trị nguồn nhân lực và các khái niệm về hành vi tổ chức.
Một định nghĩa phản ánh đầy đủ nhất các khía cạnh của QTTT, do Demarest (1997) đề xuất và được Rowley (2001) hoàn thiện, bổ sung, theo đó QTTT bao gồm “những hoạt động hay nỗ lực của tổ chức nhằm thu nạp (acquiring), kiến tạo (creating), lưu trữ (storing), chia sẻ (sharing), phát triển (developing), phổ biến (diffusing) và triển khai (deploying) tri thức bởi các cá nhân hay các tổ/nhóm trong tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả của tổ chức”.
Chu trình quản trị tri thức
Trong lý thuyết hiện tại, các học giả thường nhìn nhận quản trị tri thức như là một tập hợp các quá trình hoặc hoạt động khác nhau của tổ chức, giúp duy trì hoặc nâng cao hiệu quả của tổ chức dựa trên kinh nghiệm và tri thức (Pan và Scarbrough, 1999). Tập hợp của các quá trình, hoạt động này bao gồm: thu nhận, sáng tạo, chuyển đổi, chia sẻ, áp dụng và tái sử dụng tri thức cũng thường được các học giả khái quát hóa thành khái niệm chu trình QTTT (KM cycle) như mô tả ở Bảng 1.5. Cụ thể, Wigg (1993) đưa ra một chu trình quản trị tri thức gồm 6 giai đoạn: sáng tạo, cung cấp, tổng hợp, chuyển hóa, phổ biến và áp dụng tri thức. Tương tự, Liebowitz và Megbolugbe (2003) đề xuất một chu trình quản trị tri thức gồm 8 giai đoạn: (1) Xác định tri thức [xác định năng lực cốt lõi, các lĩnh vực tri thức]; (2) Tập hợp tri thức; (3) Lựa chọn tri thức [đánh giá giá trị, sự phù hợp, tính chính xác của tri thức]; (4) Lưu trữ tri thức; (5) Chia sẻ tri thức; (6) Áp dụng tri thức [tìm kiếm và sử dụng tri thức vào việc ra quyết định, giải quyết vấn đề, đào tạo,..]; (7) Sáng tạo tri thức mới; (8) Bán hàng [thiết kế và tiếp thị sản phẩm, dịch vụ dựa trên tri thức].