Đại sứ Thụy Điển: “Bộ máy quản lý công của Việt Nam còn cồng kềnh”
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Camilla Mellander – người đã có thời gian dài làm việc tại Việt Nam cho rằng hệ thống quản lý công của chúng ta còn cồng kềnh, còn nhiều hạn chế và bà cũng đề xuất một số giải pháp giải quyết vấn đề này.
- Chào bà Mellander, ở cương vị là Đại sứ đương nhiệm của Thụy Điển tại Việt Nam, bà đã có cơ hội làm việc với rất nhiều cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là với các cơ quan công quyền. Theo bà, khu vực công của Việt Nam đang có những hạn chế gì và Việt Nam cần có những giải pháp gì để khắc phục những hạn chế đó?
Theo tôi, thứ nhất, khu vực công của Việt Nam còn khá cồng kềnh khi lĩnh vực này đang tập trung tới 10% lực lượng lao động của cả nước và đang tiêu tốn gần 38% ngân sách của nhà nước.
Thứ hai, Việt Nam có quá nhiều hệ thống luật lệ đang có hiệu lực, một số có thể ra đời từ những năm đầu của quá trình Đổi mới và chưa kịp cập nhật với sự phát triển của xã hội, đặt ra một thách thức cho Chính phủ Việt Nam là làm thế nào để cập nhật và giảm thiểu sự xung đột giữa các văn bản pháp luật.
Vai trò của người dân trong hoạch định chính sách
Cuối cùng, các bạn nên thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc hoạch định các chính sách của Nhà nước. Tôi nhận thấy trong những năm gần đây, các bạn đang có những chuyển biến tích cực trong vấn đề này, đặc biệt trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật mới của Việt Nam. Tôi cho rằng, ý kiến đóng góp của người dân nên được đặc biệt coi trọng và lắng nghe. Người dân khi có tiếng nói và được tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách sẽ chắc chắn có thêm niềm tin vào Chính phủ.
Chìa khóa phát triển đất nước là có một hệ thống phúc lợi xã hội tốt và toàn diện
- Chúng ta đều biết rằng Thụy Điển có một hệ thống phúc lợi xã hội tiên tiến bậc nhất thế giới. Bà có thể cho chúng tôi thêm những lời khuyên và bài học cần thiết được không?
Đúng là hiện nay Thụy Điển có một hệ thống phục lợi xã hội tốt và toàn diện, mang lại lợi ích cho mọi công dân, tuy nhiên bạn có thể không biết rằng cách đây 100 năm, đất nước của chúng tôi vẫn còn là một nước nghèo. Và bí quyết chính là nhờ những nhà lãnh đạo Chính phủ: họ đã tập trung xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội hoàn hảo hơn và tập trung vào xây dựng niềm tin từ người dân.
Là một công dân Thụy Điển, bạn sẽ luôn luôn được hưởng những chính sách xã hội như chăm sóc sức khỏe miễn phí và giáo dục miễn phí. Cụ thể, hệ thống phúc lợi xã hội của Thụy Điển cho phép mọi trẻ em được đi học không mất tiền và người già được chăm sóc và hưởng rất nhiều trợ cấp từ Chính phủ.
Bà Camilla thẳng thắn chia sẻ những nhận định của
bản thân về hệ thống quản lý công Việt Nam
Ngoài ra, Chính phủ Thụy Điển còn có chính sách nghỉ phép rất thông thoáng và tạo điều kiện cho người lao động. Cụ thể, khi người vợ sinh con, cả vợ và chồng sẽ có tổng cộng 480 ngày phép và hưởng tới 80% thu nhập bình thường. Thậm chí, còn có những công ty sẵn sàng trả thêm 10% thu nhập và tổng cộng cha mẹ được nhận tới 90% mức thu nhập khi nghỉ sinh.
Chính sách thuế vô cùng minh bạch và hiệu quả của Thụy Điển
Để có được tất cả những lợi ích nói trên mang lại cho người dân từ hệ thống phúc lợi xã hội, chúng tôi phải dựa vào hệ thống thuế vô cùng minh bạch. Nếu bạn có được thu nhập vượt định mức, bạn sẽ phải trả thuế, thường là 35% và như vậy, người kiếm được nhiều tiền sẽ trả nhiều và ngược lại. Mặc dù vẫn có những lời phàn nàn vì mức thuế thu nhập cao nhưng thực tế thì tất cả mọi người đều hiểu rằng, họ nộp thuế để đổi lại, được nhận các dịch vụ chăm sóc tốt từ hệ thống phúc lợi xã hội như đã nói ở trên.
Hỗ trợ của Thụy Điển đối với Việt Nam thông qua chương trình đào tạo quản lý công
- Chúng ta đã nhận thấy hệ thống quản lý công của Việt Nam còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết và Chính phủ Thụy Điển cũng đang góp phần hỗ trợ Việt Nam bằng cách đào tạo ra đội ngũ những cán bộ quản lý có trình độ trong khu vực công. Và một trong những nỗ lực đó, phải kể đến chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản lý công liên kết giữa Đại học Uppsala và trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà có nhận xét gì về các chương trình như vậy?
Bản thân tôi thấy chương trình này rất tuyệt vời. Mặc dù nó mới ra đời từ năm 2009 nhưng đã góp phần thu hẹp những thiếu hụt của hệ thống đào tạo công vụ của Việt Nam. Tôi tin rằng chương trình MPPM của Đại học Uppsala sẽ mang đến những gì là tinh hoa của nền giáo dục của Thụy Điển cho học viên của các bạn, đặc biệt là tư duy phản biện (critical thinking).
Hơn nữa, Đại học Uppsala là một trong những trường đại học hàng đầu Thụy Điển vào thời điểm hiện tại, xếp hạng 75/100 trường tốt nhất và rất có tiếng tăm ở châu Âu. Như vậy, Uppsala là sự lựa chọn rất tốt.
- Chương trình MPPM Uppsala là chương trình liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế – ĐH QGHN và ĐH Uppsala, Thụy Điển, vì vậy, sẽ có sự giảng dạy của giảng viên cả hai trường. Bà đánh giá thế nào về sự kết hợp này?
Một điểm tốt khác của chương trình liên kết này là bạn có được sự giảng dạy của giảng viên Thụy Điển và cả Việt Nam. Học viên có thể đạt kết quả học tập tốt hơn khi giảng viên Thụy Điển có thể mang tới cho họ các kiến thức quốc tế còn giảng viên Việt Nam thì chỉ ra cách vận dụng chúng vào thực tiễn tại quốc gia của các bạn.
Bà Camilla trong buổi lễ tốt nghiệp của chương trình Thạc sỹ Quản lý công MPPM Uppsala
Bản thân tôi mong muốn được thấy nhiều hơn các chương trình liên kết quốc tế như MPPM Uppsala hợp tác giữa các trường ĐH Việt Nam và Thụy Điển trong tương lai.
- Bà có nghĩ các chương trình đào tạo như vậy có thể giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong hệ thống quản lý công như đã nói ở trên?
Tôi rất hy vọng điều đó sẽ xảy ra. Kiến thức từ các khóa học sẽ là một bước khởi đầu mạnh mẽ, trang bị những hành trang cần thiết cho người Việt Nam trong cải cách khu vực công. Các chương trình này cũng giúp đào tạo cho đất nước các bạn một đội ngũ cán bộ quản lý giỏi làm việc cho các tổ chức trong khu vực côngcó kiến thức chuyên sâu về quản lý công, thành thạo các kỹ năng lãnh đạo và quản lý, có đạo đức công vụ và tư duy phản biện khi được giao giải quyết những vấn đề quan trọng của tổ chức.