[bdotcom_bm bannerid=”683″]
Ark MarkMan
Quan niệm cũ về khả năng chuyển giao kỹ năng lãnh đạo giữa các môi trường làm việc
Lâu nay trong xã hội nói chung và trong giáo dục nói riêng người ta vẫn giả định rằng các kỹ năng bạn cần để trở thành một nhà lãnh đạo ít nhiều có thể chuyển giao được. Nếu bạn có thể truyền cảm hứng và động viên mọi người trong một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ có thể dùng lại các kỹ năng đó để làm công việc tương tự tại các địa điểm khác.
Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu gần đây đang thách thức quan điểm này. Các nghiên cứu cho thấy rằng các nhà lãnh đạo giỏi nhất biết rất nhiều về lĩnh vực mà họ đang lãnh đạo, và một phần tạo nên thành công trong vai trò chỉ đạo của họ chính là năng lực chuyên môn hay kiến thức chuyên ngành. Ví dụ, các bệnh viện do các bác sỹ quản lý sẽ hoạt động tốt hơn các bệnh viện do những người không có chuyên ngành y tế quản lý. Và có khá nhiều ví dụ về việc những người điều hành một công ty nào đó rất hiệu quả nhưng lại gặp khó khăn khi sử dụng kỹ năng của họ ở tổ chức mới.
Các năng lực lãnh đạo cốt lõi
Trong năm qua, tôi đã làm việc với một nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas về việc đào tạo phát triển lãnh đạo sẽ như thế nào đối với sinh viên của chúng tôi. Các trường giảng dạy về lãnh đạo đều đồng thuận về các yếu tố cốt lõi mà các nhà lãnh đạo cần phải có. Các yếu tố cốt lõi này bao gồm: Khả năng tạo động lực cho bản thân và cho người khác, giao tiếp tốt thể hiện qua tài ăn nói và viết lách, tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng làm việc với các nhóm và kỹ năng giao việc.
Nhìn ngoài bề mặt thì đó là một danh sách khá chuẩn chỉnh. Các nhà lãnh đạo giỏi đều có những khả năng này và nếu bạn muốn tạo ra những nhà lãnh đạo tương lai, cần đảm bảo rằng họ có những kỹ năng này. Họ cần thu thập một lượng lớn thông tin và gạn lọc thông tin vào các yếu tố thiết yếu để xác định những vấn đề chính cần được giải quyết. Họ cần tổ chức các đội để giải quyết những vấn đề này và để truyền đạt cho một nhóm lý do tại sao họ cần phải chia sẻ một tầm nhìn chung. Họ cần thiết lập lòng tin với một nhóm và sau đó sử dụng lòng tin đó để giúp nhóm làm được nhiều hơn khả năng của mình.
Kiến thức chuyên môn giúp tạo ra lãnh đạo giỏi
Nhưng những kỹ năng này chưa đủ để tạo ra nhà lãnh đạo giỏi, bởi vì để thực sự vượt lên danh sách các kỹ năng này trong thực tế, bạn cũng cần giỏi chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: hãy thực hiện một trong những kỹ năng sau: suy nghĩ nghiêm túc để tìm ra bản chất của tình huống. Để làm điều đó tốt, bạn phải có chuyên môn kỹ thuật hay kiến thức chuyên ngành. Cần nhớ rằng thông tin quan trọng mà bác sĩ cần để chẩn đoán bệnh nhân khác với kiến thức cần có để hiểu được những biến động về mặt chính trị và cả hai cái đó đều không giống với loại kiến thức mà doanh nhân sử dụng trong việc thương lượng một hợp đồng kinh doanh.
Ngay cả vấn đề giao tiếp hiệu quả lại có những đặc thù riêng với từng lĩnh vực. Các bác sĩ nói chuyện với bệnh nhân phải truyền đạt thông tin theo cách khác với cách mà các chính trị gia phản ứng trước thiên tai hoặc cách giám đốc điều hành trả lời tranh chấp lao động.
Khi bạn bắt đầu xem xét bất kỳ kỹ năng cốt lõi nào mà các nhà lãnh đạo có, một điều rõ ràng nhận ra ngay là chuyên môn về lĩnh vực cụ thể được hàm chứa trong tất cả các kỹ năng đó. Và các lĩnh vực chuyên môn được yêu cầu cũng có thể khá cụ thể. Ngay cả kinh doanh cũng không thực sự là một lĩnh vực cụ thể. Lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, chế tạo chất bán dẫn, tư vấn, và bán lẻ,..đều đòi hỏi các kiến thức chuyên ngành cụ thể.
Hàm ý cho tổ chức và công tác đào tạo, phát triển lãnh đạo
Một giải pháp phổ biến cho vấn đề này là sắp xếp xung quanh các nhà lãnh đạo những người có kiến thức chuyên môn trợ giúp lãnh đạo đưa ra những quyết định đúng đắn. Vấn đề là nếu không có chuyên môn thực tế thì làm sao các nhà lãnh đạo này biết được liệu họ có chọn được đúng người để cung cấp cho họ thông tin hay không? Nếu các nhà quản lý không thể đánh giá được thông tin họ nhận được từ những người xung quanh thì họ không thể dẫn dắt tổ chức hiệu quả.
Cách suy nghĩ về lãnh đạo này có hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, khi chúng ta dạy cho mọi người về lãnh đạo, chúng ta cần phải rõ ràng hơn về vấn đề kiến thức chuyên môn. Một người đã thành công khi điều hành một loại tổ chức không có nghĩa là họ có thể tiếp tục đạt được mức độ thành công đó khi được giao chỉ đạo một nhiệm vụ khác. Thứ hai, khi chúng ta đào tạo con người để đảm nhận vai trò lãnh đạo, chúng ta cần cung cấp cho họ các cơ hội thực hành giải quyết các vấn đề gắn với lĩnh vực chuyên môn để họ có thể tích hợp thông tin trong lĩnh vực mà họ đang được yêu cầu dẫn dắt.
Ví dụ, dạy cho mọi người các kỹ năng chung chung như giải quyết xung đột giữa nhân viên là không đủ mà chúng ta nên tạo ra các kịch bản bắt nguồn từ các trường hợp thực tế để mọi người phải vật lộn giải bài toán với sự mơ hồthông tin liên quan đến các xung đột phát sinh từ các ngành công nghiệp cụ thể.
Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh môi trường làm việc hiện đại khiến mọi người thay đổi công việc thường xuyên và thậm chí chuyển sang các lĩnh vực khác nhau. Tính di động trong công việc này có nghĩa là nhiều nhân viên trẻ tuổi có thể không tích lũy được kiến thức chuyên môn sâu rộng trong ngành mà họ đang làm việc, điều này sẽ khiến họ gặp trở ngại khi trở thành lãnh đạo. Các công ty cần xác định và quy hoạch các nhà lãnh đạo tiềm năng tương lai và khuyến khích họ làm việc lâu dài, ổn định trong tổ chức để có thể phát triển các kỹ năng cụ thể mà họ cần có để trở thành nhà lãnh đạo tài ba.
Theo Havard Business Review