Một nhà lãnh đạo có thể làm cách nào để giúp nhân viên tìm thấy ý nghĩa thực sự trong công việc?
Chúng ta thấy rằng các công ty thường dành phần lớn nguồn lực của mình để xây dựng giá trị doanh nghiệp cũng như theo đuổi sứ mệnh của tổ chức. Dù vậy trên thực tế ngay cả các doanh nghiệp lớn từng cam kết theo đuổi những nền tảng tích cực này như Volvo hay Facebook đều chưa tạo được dấu ấn thực sự.
Đối với nhân viên, việc khám phá ra động lực bên trong, mục đích nội tại đóng một vai trò quan trọng để tìm thấy sự hào hứng và hài lòng với công việc. Theo như nghiên cứu của Deloitte năm 2016, mọi người thường có xu hướng trung thành hơn với những tổ chức quan tâm, hỗ trợ họ trên con đường sự nghiệp cũng như con đường để theo đuổi ước mơ trong cuộc sống. Nói cách khác, đây mới chính là những điều có ý nghĩa, giá trị thực sự với nhân viên. Mặc dù nghiên cứu này chỉ tập trung vào thế hệ Y, thập kỉ mà chúng ta đã dành nhiều thời gian đào tạo những chuyên viên có thâm niên cao, chúng ta vẫn thấy một chân lý chung cho nhiều thế hệ: Cho dù cấp bậc của bạn là gì, lĩnh vực và nghề nghiệp có ra sao thì mỗi người luôn cần một ý nghĩa cho những việc chúng ta đang làm.
Trong khi đó, lãnh đạo có thể giúp củng cố mục đích, động lực nội tại của mỗi cá nhân trong cả cuộc sống và sự nghiệp của họ bằng những cuộc trò chuyện đơn giản. Một kĩ thuật gọi là Lý thuyết xác định hành vi (action identification theory) cho rằng có nhiều cấp độ để mô tả một hành động. Ví dụ với sự việc: Bây giờ tôi đang soạn bài viết này. Ở cấp độ thấp, đơn giản là tôi đang gõ chữ từ bàn phím. Ở cấp độ cao, chính là tôi đang giúp tạo ra những nhà lãnh đạo tốt hơn. Vì vậy, nếu một nhà lãnh đạo có thể đưa nhân viên lên cấp độ cao trên thang phát triển sự nghiệp, họ sẽ giúp cấp dưới của mình tìm thấy ý nghĩa trong những công việc dù là bình thường nhất.
Thường xuyên thực hành 5 câu hỏi khơi gợi động lực nội tại của nhân viên
Thường xuyên thực hành đặt ra 5 câu hỏi với nhân viên cũng là một cách để lãnh đạo giúp nhân viên khám phá và khơi gợi được mục đích nội tại. Lãnh đạo có thể hỏi:
Bạn giỏi làm điều gì? Những công việc nào đòi hỏi ít sự nỗ lực? Việc nào bạn đảm nhận vì bạn tin rằng mình là người phù hợp nhất? Bạn đã nhận ra được những điều gì trong suốt quá trình làm việc của mình?
Ý tưởng ở đây là giúp cho mọi người xác định được điểm mạnh của mình và có thể mở ra những năng lực từ đó.
Bạn thích điều gì? Bạn mong đợi điều gì trong một tuần làm việc? Khi nhìn vào lịch, điều gì tiếp thêm năng lượng và động lực cho bạn? Nếu có thể tự thiết kế một công việc cho mình mà không có bất kỳ rằng buộc nào, bạn sẽ sử dụng thời gian ra sao?
Những câu hỏi này giúp mọi người tìm ra và tái khẳng định lại những gì mình yêu thích trong công việc.
Cảm giác nào hữu ích với bạn nhất? Thành quả nào trong công việc khiến bạn tự hào nhất? Nhiệm vụ nào của bạn là quan trọng với nhóm, tổ chức? Những ưu tiên lớn nhất cho cuộc sống của bạn là gì và công việc của bạn có phù hợp với điều đó?
Dòng câu hỏi này nhằm nhấn mạnh giá trị của một công việc cụ thể.
Điều gì tạo ra động lực giúp bạn tiến về phía trước? Bạn đang học được điều gì để áp dụng cho tương lại? Bạn hình dung ra tiếp những gì cho bản thân? Công việc bạn đang làm giúp bạn tiến gần hơn với những điều bạn muốn ra sao?
Mục tiêu ở đây giúp chỉ ra công việc hiện tại khiến mọi người tiến đến gần với mục tiêu trong tương lai ra sao.
Mối quan hệ của bạn với mọi người xung quanh như thế nào? Người đồng nghiệp nào tốt với bạn nhất? Văn phòng gồm những người bạn yêu mến sẽ trông như thế nào? Công việc của bạn giúp củng cố gia đình và các mối quan hệ xã hội ra sao?
Những câu hỏi này nhằm khuyến khích mọi người suy nghĩ và củng cố các mối quan hệ để khiến công việc trở nên ý nghĩa hơn
Cuối cùng, chúng ta đều thừa nhận rằng để dẫn dắt mọi người đi đến một mục tiêu chung không phải là một điều dễ dàng. Hy vọng rằng những chiến lược này có thể giúp các bạn xây dựng một môi trường làm việc tích cực hơn.
Theo Harvard Business Review, Khánh Vân lược dịch