Kỹ năng xếp hàng là một trong số kỹ năng quan trọng và cần thiết trong công tác giảng dạy “kỹ năng sống” cho trẻ tại trường mầm non. Đây cũng chính là tiền đề giúp trẻ hình thành thói quen tốt và biết cách ứng xử văn minh nơi công cộng khi trưởng thành. Dưới đây là một số sáng kiến hay giúp giáo viên mầm non có cách thức hướng dẫn trẻ “kỹ năng xếp hàng” đơn giản và hiệu quả.
1.Thiết lập khu vực xếp hàng
Để việc hướng dẫn trẻ mầm non “kỹ năng xếp hàng” trở lên đơn giản cần phải tạo lập khu vực xếp hàng. Giáo viên sử dụng phấn viết hoặc dải duy băng màu để đánh dấu mốc bắt đầu giúp trẻ dễ dàng xác định vị trí đứng. Trong quá trình tạo lập hàng, cô nên chú ý khoảng cách đứng giữa mỗi trẻ để tránh tình trạng trẻ đứng chen chúc, xô lấn bạn.
Chú ý: Nên chọn khu vực có không gian rộng, ít đồ đạc để đảm bảo việc xếp hàng không bị gián đoạn
2. Qui định trẻ ở vị trí đầu hàng
Đây là trong những vấn đề khó khăn mà giáo viên mầm non thường gặp phải khi hướng dẫn trẻ xếp hàng. Trẻ thường có xu hướng tranh giành vị trí đứng đầu bởi tâm lí muốn trở thành người quan trọng nhất. Cách thức để giải quyết vấn đề này là chỉ định sẵn trẻ đứng đầu để làm mẫu giúp các trẻ khác nắm được cách thức xếp hàng. Bên cạnh đó, cô nên thay đổi luân phiên và tăng tầm quan trọng của vị trí đứng khác để giảm bớt sự chú ý của trẻ vào vị trí đầu hàng (Vd: “Đây đã là bạn thứ tư trong hàng rồi. Ai trong các con sẽ là người thứ năm nào?”)
3. Để trẻ tự giác xếp hàng
Dựa vào những đặc điểm bên ngoài của trẻ hay hoạt động của trẻ trong ngày để gợi ý trẻ tự biết xác định vị trí đứng của mình (Vd: “Bạn nào mặc áo cộc tay đứng vào 1 hàng nào”, “Hôm nay, bạn nào ăn được 2 bát cơm các con đứng vào hàng thứ hai nào.”). Giáo viên có thể sử dụng thẻ đeo ghi số thứ tự hoặc tô màu khác nhau làm dấu hiệu để trẻ làm quen với màu sắc và con số. Việc để trẻ tự giác xếp hàng không chỉ giúp việc hướng dẫn trở lên dễ dàng mà còn tạo cho trẻ tính tự lập, tư duy nhạy bén và kỹ năng giải quyết vấn đề.
4. Rèn trẻ “kỹ năng xếp hàng” thông qua các hoạt động hằng ngày của trẻ
Hằng ngày, trong các giờ học trên lớp giáo viên nên thường xuyên ôn luyện và củng cố kỹ năng xếp hàng cho trẻ thông qua các hoạt động như: xếp hàng rửa tay, lên xuống cầu thang, đi dã ngoại,…và 1 số các hoạt động cụ thể khác
* Hoạt động 1: Làm quen đội hình
Mục đích: Giáo dục trẻ biết sắp xếp đội hình và giữ trật tự trong quá trình hoạt động
-Cô yêu cầu trẻ xếp hàng dọc theo 4 tổ đúng vị trí cô yêu cầu, sau đó cô cùng trẻ cùng vừa đi vừa hát bài: “ Trường chúng cháu là trường mầm non”.
– Cô yêu cầu trẻ xếp lại về hàng thành 4 tổ sau mỗi bài hát, sau đó cô cùng trẻ kiểm tra tổ bạn xem các bạn đã xếp hàng đúng chỗ của mình chưa.
– Cô cho trẻ làm quen với các khẩu lệnh của cô: “ Các con đứng”, “ Nghiêm”, ….
* Hoạt động 2: Tổ chức trò chơi cho trẻ
Mục đích: giúp trẻ cảm nhận phương hướng
– Trò chơi 1: Rồng rắn lên mây
Luật chơi: cho một trẻ làm “thầy thuốc” đứng đối diện (hoặc ngồi) với những người làm “rồng rắn”. Các trẻ khác túm đuôi áo nhau (hoặc tay ôm lưng nhau) thành ” rồng rắn”, tư thế này giúp trẻ cảm nhận các hướng của người khác. Trẻ đứng ” rồng rắn” đi lượn vòng vèo, vừa đi vừa đọc đồng dao. Nếu thầy thuốc bắt được khúc đuôi thì bạn khúc đuôi bị loại khỏi cuộc chơi. Trò chơi lại bắt đầu cứ chơi như thế đến khi rồng rắn ngắn dần vì mất bạn chơi. Nếu ” rồng rắn” bị đứt khúc hoặc bị ngã thì trò chơi kết thúc.
– Trò chơi 2:
Luật chơi: Phân công trẻ thành 2 nhóm chơi: một nhóm bán hàng, nhóm còn lại sẽ đến cửa hàng để mua đồ. Cô hướng dẫn trẻ xếp hàng ngay ngắn theo thứ tự, kiên nhẫn chờ tới lượt mình để được vào mua hàng.