Trẻ mầm non luôn hiếu động, việc trẻ ồn ào, mất trật tự, chạy nhảy lung tung là tình trạng chung mà hầu hết các giáo viên mầm non gặp phải. Nếu bạn là giáo viên mầm non và cảm thấy chán nản mỗi khi lớp mất trật tự, đùa nghịch dù đã sử dụng các biện pháp nghiêm khắc nhưng tình trạng vẫn không cải thiện hãy tham khảo ngay một số kinh nghiệm hữu ích rèn trẻ mầm non giữ trật tự trong lớp học trong bài viết dưới đây.
1. Biện pháp khen thưởng
Cô chia trẻ thành các tổ nhỏ và tổ chức thi đua giữa các tổ với nhau hoặc thi đua giữa các nhân. Tổ hoặc cá nhân nào giữ trật tự tốt nhất sẽ được khen và nhận phần thưởng. Đặc biệt, cô nên chú ý tích cực khen các trẻ nghịch ngợm, hay nói chuyện… ( Bạn A hôm nay cô thấy rất tiến bộ; Trong giờ ăn trưa hôm nay bạn B đã ăn rất ngoan và giữ trật trự nhất lớp, cô thưởng bạn 1 điểm….). Thỉnh thoảng cô có thể thưởng 2, 3 điểm nhưng hạn chế sử dụng để đạt hiệu quả cao. Khi cô khen một trẻ, các trẻ khác sẽ cố gắng ngoan để được khen.
Lưu ý: Hạn chế phạt hay phê bình trẻ khiến trẻ sợ hay hình thành tâm lí tiêu cực
2. Giới hạn thời gian các hoạt động
Giáo viên lên kế hoạch chi tiết khoảng thời gian cho mỗi hoạt động của trẻ trong ngày. Hãy nói cho trẻ biết sau khi kết thúc khoảng thời gian đó trẻ sẽ phải hoàn thành điều gì (Vd: Hôm nay các con cố gắng ăn cơm xong trước khi kim đồng hồ chỉ vào số 6 nhé. Ai ăn nhanh và đúng giờ cô sẽ dành phần thưởng cho bạn đó.)
Cô có thể sử dụng hình thức này kèm theo phần thưởng, nếu trẻ duy trì tốt việc giữ trật tự hãy khen thưởng theo tuần và theo tháng để trẻ thấy được lợi ích của việc giữ trật tự trong lớp học
3. Thiết lập quy tắc giữ trật tự
Việc tạo nề nếp cho trẻ là vô cùng quan trọng. Ngay từ đầu năm học các cô cần tạo thói quen khi nghe hiệu lệnh của cô (xắc xô, hoặc cô vỗ tay vài lần, hoặc tiếng 1 dụng cụ âm nhạc nào đó vang lên – cần cố định từ đầu năm) thì cả lớp cần trật tự lắng nghe cô. Sử dụng tín hiệu đèn giao thông là một trong số những cách đem lại hiệu quả cao trong việc tạo thói quen cho trẻ. Cô quy định cho trẻ về màu sắc đèn giao thông tương ứng với hiệu lệnh của cô: Đèn xanh trẻ có thể nói, đèn vàng chuẩn bị im lặng và đèn đỏ phải yên lặng tuyệt đối. Hãy dán các màu đèn này ở vị trí mà tất cả trẻ trong lớp đều có thể nhìn thấy. Thông qua đó, trẻ sẽ hình thành thói quen giữ trật tự trong lớp mỗi khi thấy hiệu lệnh của cô.
4. Chia tách nhóm trẻ gây mất trật tự
Đây cũng là kinh nghiệm của hầu hết các giáo viên. Chúng ta dễ dàng nhận thấy có một số trẻ là trung tâm của việc mất trật tự, đồng thời lại có những trẻ rất ít nói. Để khắc phục vấn đề này, cô nên chú ý quan sát và chọn ra những trẻ hiếu động nhất cho xếp ngồi gần những trẻ ít nói hoặc cho ngồi gần cô để dễ quản lý. Đây là 1 trong số những cách hiệu quả để rèn luyện nề nếp cho lớp học.
5. Cô giáo là tấm gương sáng cho trẻ
Với trẻ, cô không nên nói to hay thể hiện cảm xúc giận giữ khi nhắc trẻ trật tự. Nếu lớp ồn ào cô mời cả lớp đi ra ngoài, đứng xếp hàng và đi vào lớp trật tự. Muốn trẻ tôn trọng kỉ luật thì cô cần làm gương trước và trẻ luôn lấy cô làm tấm gương để noi theo. Trong giờ học, nếu có có chuyện riêng cần trao đổi với giáo viên khác cô nên xin lỗi trẻ khi đã trao đổi xong hoặc tránh tình trạng sao nhãng trẻ và làm việc riêng trong giờ.
6. Tổ chức cho trẻ tham gia các trò chơi
Đối với lứa tuổi mầm non thì việc ngồi yên 1 chỗ hầu như là không thể. Chính vì thế, giữ trật tự để trẻ không nói chuyện riêng thì trò chơi chính là giải pháp ưu tiên số một.
- Trò chơi “Trời tối trời sáng”
Luật chơi: Khi nghe tín hiệu “trời tối”, tất cả phải nhắm mắt và ngồi xuống (làm động tác ngủ).
Cách chơi: Cho trẻ đi tự do trong phòng giả làm đàn gà con đi kiếm mồi hai tay giơ cao vừa vẫy tay vừa kêu “chiếp, chiếp”. Khi có tín hiệu “Trời tối” thì tất cả chạy về chỗ ngồi của mình (nếu để tập nhận chỗ ngồi) hoặc ngồi thụp xuống đất nghiêng đầu áp 2 bàn tay vào má và nhắm mắt ngủ. Cho trẻ nhắm mắt khoảng 30 giây sau đó cô nói: “Trời sáng”, trẻ đưa hai tay lên mồm và bắt chước tiếng gà gáy “ò ó o”. Trò chơi tiếp tục khoảng 3 – 4 lần.
- Trò chơi 4 mùa
Chuẩn bị: Cho cả lớp
xếp 1 vòng tròn to.
Luật chơi: Trẻ phải tập trung chú ý nghe hiệu lệnh
của cô, ai không làm đúng thì bị phạt nhảy lò cò.
Cô nói mùa xuân, trẻ nói hoa nở và làm động tác bướm bay.
Cô nói mùa thu, trẻ làm động tác lá rơi.
Cô nói mùa đông, trẻ làm động tác lạnh.
Mùa hè trẻ làm động tác nóng nực.
- Trò chơi: “Chồng nụ chồng hoa”
Luật chơi: 4 trẻ chơi với nhau: 2 trẻ làm nhiệm vụ nhảy. 2 trẻ ngồi đối diện nhau, duỗi 2 chân, 1 bàn chân của cháu B chồng lên ngón chân của cháu A (bàn chân dựng đứng). 2 trẻ nhảy qua rồi lại nhảy về. Sau đó cháu A lại chồng 1 nắm tay lên ngón chân cháu B làm “nụ”, 2 trẻ lại nhảy qua, nhảy về. Rồi cháu B lại dựng đứng tiếp 1 bàn tay lên trên bàn tay “nụ” để làm “hoa”. 2 trẻ nhảy nếu chạm vào “nụ, hoa” thì mất lượt đi phải ngồi thay cho trẻ ngồi. Nếu nhảy không chạm vào “nụ, hoa” thì được trẻ ngồi cõng chạy 1 vòng. Sau đó chơi tiếp tục – đổi vai cho nhau.