Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục mầm non đóng góp vai trò quan trọng, là khâu đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện ở trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ. Thấy rõ được tầm quan trọng đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thông qua bồi dưỡng chuyên môn, năng lực cho đội ngũ giáo viên mầm non luôn là mục tiêu đặt ra hàng đầu đối với các cán bộ quản lí nhà trường.
Dưới đây là một số những biện pháp hữu ích giúp cán bộ, quản lí nhà trường có thể chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên mầm non
Biện pháp 1: Nâng cao chất lượng chuyên môn thông qua nhiều hình thức
Để thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể xuất phát từ nhu cầu đào tạo của từng giáo viên (những giáo viên nào cần được nâng cao trình độ? Về vấn đề gì?). Đồng thời, lập kế hoạch bồi dưỡng dài hạn nhằm xác định mục tiêu và định hướng đào tạo nhân lực ( Số lượng khóa đào tạo, thời gian diễn ra, kết quả dự tính đạt được,…). Tham mưu với hiệu trưởng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở các trường sư phạm.
Ngoài việc được tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo nghiệp vụ, trong quá trình làm việc giáo viên đều phải có ý thức tự học: tham gia các buổi dự giờ, sinh hoạt chuyên môn cùng đồng nghiệp, tham quan các trường bạn về cách sắp xếp, tổ chức môi trường hoạt động cho trẻ,… chủ động học và tìm hiểu thêm một số kỹ năng cần thiết trong công tác giảng dạy như: các kĩ năng phòng – xử trí các bệnh và tai nạn thường gặp ở trẻ, kĩ năng ứng xử sư phạm,…
Biện pháp 2: Bồi dưỡng giáo viên chủ động xây dựng bộ hồ sơ
Để công tác bồi dưỡng chuyên môn giáo viên đạt hiệu quả cao, người quản lí cần phải hiểu rõ giáo viên của mình: trình độ chuyên môn, cá tính, năng lực sư phạm, sở trường trong từng hoạt động, những hạn chế và yếu kém trong công tác giảng dạy,…Bồi dưỡng giáo viên xây dựng bộ hồ sơ, giáo án là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp đánh giá năng lực, trình độ của giáo viên để từ đó đưa ra điều chỉnh phù hợp nhằm cải thiện và nâng cao năng lực cho họ.
Vd: Một số giáo viên còn yếu về năng lực soạn bài, cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể:
+ Giáo viên chưa biết phương pháp soạn
+ Chưa xác định được mục đích yêu cầu bài
+ Phương pháp biện pháp để ra trong bài soạn chưa chính xác, chưa hợp lí.
Biện pháp 3: Đa dạng hóa các hình thức đánh giá giáo viên
Các cấp quản lí nhà trường cần sử dụng đa dạng các hình thức đánh giá khác nhau như: Kiểm tra nhận thức xã hội và chuyên môn bằng phiếu trắc nghiệm, quan sát quá trình tổ chức một hoạt động; đàm thoại để biết ý tưởng xây dựng kế hoạch /môi trường học tập cho trẻ; giao một nhiệm vụ nhất định; dự giờ dạy không báo trước, sắp đặt để giáo viên ứng xử các tình huống sư phạm,…Ngoài ra, khi thực hiện việc đánh giá cần lấy nguồn thông tin từ đồng nghiệp, các bậc phụ huynh, từ trẻ,… và ý kiến tự đánh giá của giáo viên.
Lưu ý: Các hình thức đánh giá năng lực giáo viên cần công khai, minh bạch kết quả đánh giá mang tính khách quan và chính xác. Từ đó, giúp giáo viên tự đánh giá năng lực của bản thân và rút ra bài học kinh nghiệm.
Biện pháp 4: Đẩy mạnh sinh hoạt tổ chuyên môn
Một biện pháp không thể thiếu trong công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên là đẩy mạnh sinh hoạt tổ chuyên môn. Ngay từ khi bắt đầu năm học, người quản lí cần phân công giáo viên phù hợp với các tổ dựa theo năng lực và trình độ. Khi chọn tổ trưởng cho mỗi tổ chuyên môn cân chọn lựa những giáo viên có năng lực chuyên môn, nhiệt tình năng động, có khả năng lãnh đạo để dẫn dắt và điều hành tổ.
Biện pháp 5: Tổ chức hội thi đua theo nhu cầu của giáo viên
Cấp quản lí nhà trường cần chủ động khởi xướng phong trào và động viên đội ngũ giáo viên tham gia các hoạt động, phong trào thi đua tạo cơ hội giúp giáo viên nhận thức và phá huy năng lực bản thân.
+ Thi giáo viên dạy giỏi: Thông qua các hội thi giáo viên sẽ được thể hiện năng lực của bản thân, đánh giá điểm mạnh điểm yếu, rút kinh nghiệm và tự điều chỉnh để nâng cao trình độ, chuyên môn trong công tác giảng dạy.
+ Làm đồ dùng sáng tạo: Tổ chức cuộc thi làm đồ dùng mầm non không chỉ giúp giáo viên nắm được phương pháp và yêu cầu bài dạy mà còn tăng tính sáng tạo, chủ động tích cực trong việc tự nâng cao năng lực, trình độ của bản thân
+ Tổ chức vào các dịp lễ đặc biệt. Vd: Ngày m8/3 tổ chức hội thi “Phụ nữ đa tài”, các cô GVMN đăng kí tham gia thể hiện: hiểu biết kiến thức ngành, nấu ăn (làm bánh, nấu chè), làm đồ dùng đồ chơi, ca hát, sáng tác thơ, đóng kịch, sơ cấp cứu, trang trí lớp học, giờ dạy tốt, ứng xử hay,… Kết quả cuộc thi đều phải được ban tổ chức ghi nhận sự nhiệt tình và cố gắng của họ, các tiết mục (tác phẩm) tốt sẽ lần lượt được công diễn vào dịp thích hợp
Biện pháp 6: Thực hiện kiểm tra, thanh tra nội bộ
Kiểm tra, thanh tra nội bộ là chức năng, nhiệm vụ của các cấp quản lí nhà trường và xuyên suốt quá tình quản lí. Công tác kiểm tra, giám sát giúp đánh giá mặt mạnh, yếu của từng cá nhân trong đội ngũ để hoàn thiện tập thể. Kiểm tra định kỳ hay đột xuất nhằm nâng cao tính tự giác, chủ động của giáo viên và đảm bảo tính công bằng, khách quan.
Biện pháp 7: Phối hợp cùng các lực lượng trong ngoài nhà trường
Kết hợp với đoàn thể ngoài trường thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm sóc nói chung và bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên nói riêng như: Tham mưu kịp thời với hiệu trưởng đề nghị với các cấp chính quyền địa phương, Phòng giáo dục và dào tạo hỗ trợ trang thiết bị dạy học như máy tính, máy chiếu đa năng,…; Huy động phụ huynh học sinh mang đồ phế thải sẵn có để giúp giáo viên sáng tạo đồ dùng, đồ chơi mầm non…
Mỗi tháng nhà trường nên tổ chức chuyên đề, kỹ năng phương pháp giảng dạy cho tổ chuyên môn thảo luận. Sau đó tổ chức dạy mẫu để thực hiện các chủ đề, chủ điểm nói trên. Bên cạnh đó, khảo sát lại năng lực chuyên môn của từng giáo viên thông qua dự giờ, thăm lớp. Đối với những giáo viên mới vào trường và giáo viên lớn tuổi cần có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ cùng xu hướng hội nhập thế giới, nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức. Từ đó, đòi hỏi Giáo dục mầm non cần khắng định vai trò và vị trí của mình, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững cả toàn ngành giáo dục Việt Nam, thông qua việc bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra.