Trong phiên thảo luận về các cơ hội trong phát triển trung tâm dữ liệu của Hà Nội tại Hội nghị Trung tâm Dữ liệu và Đám mây Việt Nam (Hà Nội) 2024, theo ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Viettel IDC, Hà Nội đang dần khẳng định mình là một trung tâm dữ liệu đáng chú ý trong khu vực nhờ vào sự chuyển mình mạnh mẽ từ một nền kinh tế đang phát triển sang nền kinh tế phát triển.
Vị trí địa lý thuận lợi của Hà Nội, nằm ở trung tâm của cả nước, kết hợp với quy mô dân số hơn 10 triệu dân và GDP đáng kể, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành trung tâm dữ liệu.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐỂ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM DỮ LIỆU
Từ góc độ thị trường, ông Việt Anh cho rằng Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là điểm tập trung lớn của các doanh nghiệp, với khoảng 370.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 10.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, thu hút lực lượng lao động khoảng 170.000 nhân sự được đào tạo bài bản.
“Đây là nguồn nhân lực rất tốt cho các doanh nghiệp khi đầu tư và tạo lập cơ sở tại Hà Nội”, ông Việt Anh nói.
Nhìn từ góc độ chính sách của quốc gia, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, và đặc biệt là tại Hà Nội, đang diễn ra rất mạnh mẽ. Chuyển đổi số tập trung vào ba lĩnh vực chính: chính quyền số, kinh tế số, và xã hội số. Hà Nội đã đạt được những bước tiến quan trọng trong cả ba lĩnh vực này.
Cụ thể, Hà Nội đã ban hành các quy định và nghị quyết nhằm thúc đẩy chính quyền thông minh và triển khai chiến lược chuyển đổi số của thành phố. Điều này bao gồm đầu tư vào hạ tầng mạng lưới, hạ tầng điện, và phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển trung tâm dữ liệu.
Trong giai đoạn 2021-2025, các chỉ số liên quan đến công nghệ số như thuê bao cố định băng rộng, di động và tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ số đều ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là sự phát triển liên tục của dịch vụ đám mây. Những yếu tố này không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mà còn khẳng định tiềm năng của Hà Nội trong việc trở thành một trung tâm dữ liệu hàng đầu trong khu vực.
Về góc độ chính sách đầu tư, Hà Nội, cùng với TP. Hồ Chí Minh, đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư công nghệ cao. Thành phố đang triển khai nhiều chính sách để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI, Blockchain, 5G, Metaverse, VR, và sản xuất chip bán dẫn. Đây là những ngành công nghệ cao đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư.
“Nếu trung tâm dữ liệu có thể được ví như trái tim của ngành công nghệ số, thì mạng truyền dẫn chính là xương sống, và Hà Nội đang tích cực đầu tư vào hạ tầng này với kế hoạch mở thêm 10 tuyến cáp quang biển vào năm 2030, nâng tổng số tuyến hiện tại lên 15. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành trung tâm dữ liệu”, đại diện Viettel IDC nói.
“Điều kiện này rất quan trọng cho sự phát triển của các trung tâm dữ liệu (DC), vì trung tâm dữ liệu và mạng truyền dẫn luôn phải đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau”, ông Việt Anh nói.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đang đặt ưu tiên cao vào các yếu tố như giá đất và chi phí xây dựng khi quyết định đầu tư. Xét ở góc độ doanh nghiệp, Hà Nội cũng nổi bật với lợi thế chi phí xây dựng và vận hành. Giá đất xây dựng tại Hà Nội thấp hơn đáng kể so với các thành phố lớn trong khu vực như TP. Hồ Chí Minh và Singapore, nơi giá đất có thể lên tới 1.500 USD/m2.
Chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu ở Hà Nội cũng là một lợi thế so với nhiều địa điểm khác. Về mặt vận hành, mặc dù chi phí điện năng không khác biệt nhiều so với khu vực, nhưng nhìn chung, giá điện tại Hà Nội vẫn được xem là rẻ hơn nhiều nơi khác. Đặc biệt, chi phí lao động cho kỹ sư vận hành và quản lý cũng thấp hơn nhiều so với các khu vực khác, góp phần giảm tổng chi phí hoạt động.
Những yếu tố này cho thấy Hà Nội không chỉ là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu mà còn đang trên con đường trở thành trung tâm dữ liệu của khu vực trong thời gian tới.
Cũng nhìn nhận vấn đề về tiềm năng trung tâm dữ liệu của Hà Nội, ông Hoàng Viết Tiến, Phó Chủ tịch cao cấp MarsConnect Group, đã đề cập đến khía cạnh người dùng cuối. Theo ông Hoàng Viết Tiến, khi một sản phẩm hoặc dịch vụ được đưa ra thị trường, việc có sự hiện diện của người dùng cuối (end user) là điều thiết yếu.
Tại Việt Nam, sự phát triển của ngành trung tâm dữ liệu được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các quy định và chính sách quản lý. Hiện nay, Hà Nội cũng như cả nước đang triển khai các dịch vụ sinh trắc học, thanh toán không tiền mặt hay VNeID và cả việc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông xây dựng mạng 5G. Theo ông Tiến, những yếu tố này đang tạo điều kiện cho sự phát triển của trung tâm dữ liệu.
GIẢI QUYẾT NHỮNG THÁCH THỨC THU HÚT ĐẦU TƯ CỦA HÀ NỘI
Tuy vậy, theo bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh, Trưởng ban phát triển đối tác Data center & Cloud của SVDCA, mặc dù Hà Nội có nhiều tiềm năng thu hút các trung tâm dữ liệu, thành phố vẫn đối mặt với một số thách thức quan trọng.
“Đầu tiên là vị trí và khí hậu nhiệt đới ẩm của Hà Nội, với độ ẩm lên tới 70%, và hơn 144 ngày mưa mỗi năm, độ ẩm cao này có thể ảnh hưởng đáng kể đến vận hành và thiết bị trong các trung tâm dữ liệu”, bà Quỳnh nói.
Nhiệt độ tại Hà Nội cũng đang ngày càng nóng lên, ảnh hưởng đến hiệu suất và chi phí vận hành các trung tâm dữ liệu, do doanh nghiệp vận hành cần thiết kế hệ thống làm mát đặc biệt để xử lý nhiệt độ cao, có thể lên tới 40-41 độ C.
Hạ tầng mạng lưới cũng là một yếu tố cần lưu ý. Mặc dù Việt Nam có một số tuyến cáp quang, song các trạm cập bờ chủ yếu tập trung ở miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, Quy Nhơn và khu vực phía Nam. Trong khi đó các doanh nghiệp thường chọn những địa điểm gần trạm cập bờ để giảm độ trễ và chi phí truyền dẫn.
Về mặt nhân sự, báo cáo của Tổng cục Thống Kê năm 2023 cho thấy chi phí sinh hoạt tại Hà Nội được xếp hạng là cao nhất Việt Nam (sau đó là TP.HCM và thứ ba là Quảng Ninh), dẫn đến mức lương và các phúc lợi khác trả cho nhân sự cũng cao hơn, ảnh hưởng đến tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh, những vấn đề này sẽ có thể được giải quyết theo thời gian. Hà Nội có thể làm việc với các tổ chức để cập nhật xu hướng và tiêu chuẩn mới thông qua các workshop và hội thảo, với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong ngành đã triển khai nhiều trung tâm dữ liệu tại khu vực, tổ chức, làm việc với các tỉnh, đặc biệt là với các Sở Thông tin và Truyền thông, để cập nhật kiến thức, tiêu chuẩn và xu hướng đầu tư hiện tại, đặc biệt là từ các công ty công nghệ lớn (Big Tech).
“Mục tiêu của những hoạt động này là giúp các địa phương có sự chuẩn bị tốt hơn, vì khi các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào một quốc gia hoặc địa phương, họ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, nhân sự, chính sách ….”, bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh nói và cho biết hiện nay vẫn còn tình trạng các địa phương thiếu đồng bộ và hiểu biết giữa các bên trong thu hút đầu tư. “Đây là một vấn đề quan trọng cần giải quyết”, bà Quỳnh nói.
Những thông tin liên quan đến điều kiện khí hậu, thời tiết và hệ tầng là rất quan trọng vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến thiết kế hệ thống và các biện pháp bảo vệ trung tâm dữ liệu trong tương lai. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần cung cấp thông tin về quá trình phát triển, thời gian sử dụng còn lại của cơ sở hạ tầng.
“Khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, thông tin này phải được cung cấp đầy đủ và chính xác”, bà Quỳnh nói. “Cùng với đó là các thông tin về chính trị và pháp lý để giúp các nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về môi trường đầu tư”.
Nguồn : https://vneconomy.vn/nhung-rao-can-can-vuot-qua-de-ha-noi-tro-thanh-trung-tam-du-lieu-khu-vuc.htm.