David Rogers
Một khi nền tảng được thiết lập rộng rãi trong loại hình của nó, rất khó để tung ra một thách thức trực tiếp với một dịch vụ tương tự – đó là kết quả của sức mạnh thuộc về các hiệu ứng mạng lưới. Khách hàng thích đăng ký vào một nền tảng đã được chấp nhận rộng rãi hoặc có nhiều người khác sử dụng hơn. Sẽ rất khó khăn cho một đối thủ cạnh tranh trực tiếp để bắt kịp Facebook (trong mạng xã hội) hoặc Google (trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin) hoặc tung ra một dịch vụ thẻ tín dụng mới thách thức Visa, MasterCard và American Express. Sức kháng cự này thường yếu hơn trong các loại hình truyền thông dựa vào quảng cáo, nơi hiệu ứng mạng lưới chỉ đến từ một phía (nhà quảng cáo quan tâm đến số lượng độc giả, nhưng ngược lại người đọc không quan tâm có bao nhiêu nhà quảng cáo).
Nhưng trong một nền tảng mà hiệu ứng mạng lưới xuất hiện ở tất cả các bên, những đối thủ cạnh tranh mới phải gặp phải một rào cản không nhỏ khi gia nhập thị trường. Trong hầu hết các trường hợp, điều này dẫn đến việc hợp nhất xoay quanh một vài đối thủ thống trị nắm phần lớn thị trường (ví dụ: thẻ tín dụng, các công cụ tìm kiếm).
Trong một số trường hợp, thị trường sẽ có xu hướng rơi vào kịch bản kẻ thắng cuộc – lấy – hết phần ở đó chỉ có một nền tảng là sống khỏe. Một ví dụ đó là cuộc chiến nền tảng giữa Blu-Ray của Sony và HD DVD của Toshiba để trở thành tiêu chuẩn phần cứng cho các đĩa phim có độ nét cao. Sony thắng cuộc, và Blu-Ray trở thành tiêu chuẩn duy nhất được sử dụng bởi các xưởng phim ở Hollywood cũng như chạy trên các loại đầu DVD.
Hợp nhất theo kiểu kẻ thắng cuộc – lấy – hết phần có thể diễn ra khi một trong ba yếu tố sau đây xuất hiện:
1. Multihoming – sử dụng nhiều hơn một nền tảng – gây phiền hà cho khách hàng (ví dụ: trong khi mang theo hai thẻ tín dụng dễ dàng thì không ai muốn mua hai đầu DVD).
2. Các hiệu ứng mạng lưới gián tiếp mạnh (ví dụ: người xem quan tâm tới kiểu định dạng mà Hollywood sẽ phát hành phim và Hollywood quan tâm đến những định dạng mà người xem sử dụng).
3. Sự khác biệt về tính năng là không đáng kể (ví dụ: chưa bao giờ có sự khác biệt lớn về tính năng giữa các đầu DVD – sự khác biệt về sản phẩm chủ yếu nằm ở các màn hình tivi).
Khía cạnh chống cạnh tranh của nền tảng có thể đáng báo động vì nó làm củng cố hành vi độc quyền. Tuy nhiên, thay vì có một vài doanh nghiệp độc quyền thiết lập vị thế đầu tầu trong các ngành công nghiệp rất rộng, tương lai có thể là nhiều kẻ (gần như) độc quyền chiếm lĩnh các lĩnh vực chuyển đổi cho đến khi chúng biến mất (sẽ sớm đến lúc chẳng ai quan tâm đến người chiến thắng trong cuộc chiến DVD nữa).
Facebook được bảo vệ rất tốt để chống lại đối thủ đang cố gắng tung ra một công cụ mạng xã hội tương đương (ngay cả Google Plus cũng không thành công). Nhưng thách thức của nó là các nền tảng khác sẽ thiết lập vị trí thống trị trong các loại tương tác xã hội khác nhau – một nền tảng thống trị về chia sẻ hình ảnh, dịch vụ gửi tin nhắn hoặc những cuộc tán gẫu vô thưởng vô phạt. (Đây là lý do tại sao Facebook phải thâu tóm Instagram và WhatsApp cũng như cố gắng mua lại Snapchat).
Mối đe dọa thực sự đối với Google không phải là doanh nghiệp khác sẽ phát triển một công cụ tìm kiếm tương tự (ví dụ Bing) mà là người dùng và các nhà quảng cáo sẽ bị thu hút bởi các công cụ tìm kiếm khác, như tìm kiếm bằng giọng nói qua Siri, tìm kiếm sản phẩm trên Amazon hay công cụ tìm kiếm chuyên dụng cho du lịch, thời trang hoặc những chủng loại khác.
Nguồn: Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số