Năm 1990, Peter Senge cho ra mắt tác phẩm The Fifth Discipline (Nguyên Lý Thứ Năm), tác phẩm đã giúp ông trở thành một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất về quản trị. Và đây là tóm tắt về 5 Nguyên lý quan trọng của Tổ chức Học tập mà Peter Senge đã đề cấp đến trong tác phẩm của mình: làm chủ bản thân, chia sẻ tầm nhìn, mô hình tư duy, học tập theo đội, và tư duy hệ thống:
-
Làm chủ bản thân (Personal Mastery)
– Các tổ chức học tập chủ yếu thông qua quá trình học tập của các cá nhân trong tổ chức, tuy nhiên học tập cá nhân không đảm bảo tạo ra một “tổ chức học tập”. Làm chủ bản thân là nguyên lý theo đó các cá nhân không ngừng xác định và xây dựng tầm nhìn cho mình, tập trung năng lượng của mình, phát triển tính kiên nhẫn và quan sát thực tế một cách khách quan. Sự làm chủ này (mastery) vượt lên trên năng lực và kỹ năng cá nhân mặc dù đã bao hàm những yếu tố này.
– Các cá nhân có mức độ làm chủ bản thân cao luôn học hỏi không ngừng, và biết rõ những điểm chưa hoàn thiện của mình, biết rõ sự “ngu dốt” của mình và cần phải hoàn thiện những gì.
-
Chia sẻ tầm nhìn (Share vision)
– Các cá nhân thiết lập sự cam kết với đội/nhóm làm việc của mình, cùng xây dựng/chia sẻ tầm nhìn chung về tương lai của tổ chức, và phát triển các nguyên tắc và hoạt động hỗ trợ cho quá trình dẫn đến tương lai đó.
-
Mô hình tư duy (Mental models)
– Mô hình tư duy là các giả thiết, sự khái quát, định kiến, và cả các hình ảnh đã ăn sâu vào cách suy nghĩ của các cá nhân và ảnh hưởng đến cách mà cá nhân đó nhìn nhận về thế giới xung quanh và hành động.
– Trong tổ chức học tập, mỗi cá nhân không ngừng xác định, làm rõ và hoàn thiện cách mà họ nhìn nhận về thế giới xung quanh.
-
Học tập theo đội (Team learning)
– Khả năng và kỹ năng tư duy cho phép các tổ/đội xây dựng trí tuệ, năng lực của tổ/đội lớn hơn năng lực của các cá nhân trong tổ/đội cộng lại.
-
Tư duy hệ thống (Systematic thinking)
– Tư duy hệ thống là điểm quan trọng nhất trong học thuyết “Tổ chức học tập” của Peter Senge. Tư duy hệ thống là nguyên lý có vai trò kết nối tất cả các nguyên lý còn lại của tổ chức học tập bao gồm làm chủ bản thân, tầm nhìn chia sẻ, học tập theo tổ đội và mô hình tư duy. Đó là cách suy nghĩ, ngôn ngữ sử dụng để mô tả và cảm nhận về các lực lượng hay các mối quan hệ tạo nên các hành vi trong hệ thống tổ chức.
– Tư duy hệ thống giúp cán bộ quản lý cũng như nhân viên tìm hiểu cách thức thay đổi hệ thống hiệu quả hơn và hành động phù hợp với các quy trình rộng lớn hơn của bối cảnh kinh tế và tự nhiên bên ngoài hệ thống.
– Tư duy hệ thống giúp mỗi nhân viên vận dụng cách tiếp cận hệ thống khi ra quyết định thay vì chỉ tập trung vào một khía cạnh hay vấn đề của riêng họ.
Ở khu vực Châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan là những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng tổ chức học tập trong cả khu vực tư nhân và khu vực công. Ví dụ, tại Singapore, Chính phủ đã thử nghiệm áp dụng tổ chức học tập vào lực lượng cảnh sát. Tại Đài Loan, Chính quyền thành phố Kaohsiung đã lọt top 20 cơ quan áp dụng tổ chức học tập tốt nhất thế giới năm 2014.
Ở Việt Nam, các tập đoàn như FPT, Viettel, Vingroup hay ngân hàng Techcombank chính là những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng tổ chức của họ thực sự trở thành môt tổ chức học tập.