Xu hướng nền kinh tế trung tâm sẽ con lan rộng ra nghiều ngành công nghiệp, các doanh nghiệp trung tâm vận hành như một loại hố đen hút hết người dùng và dữ liệu vào nó, quyền lực và giá trị của các doanh nghiệp này cứ tiếp tục được gia tăng theo vòng xoắn trôn ốc. Nó chưa bao giờ có ý định dừng lại. Câu hỏi là, các doanh nghiệp Việt Nam phản ứng thế nào trước xu thế này.
Có lẽ chưa bao giờ khái niệm nền kinh tế lại được gắn thêm nhiều mỹ từ như trong thời kỳ SMAC (Social, Mobile, Analytics, Cloud) mà tất cả chúng ta đang trải qua. Nếu như trước đây người ta hay nhắc đến “kinh tế tri thức” như là quá trình một nền kinh tế dịch chuyển từ việc thâm dụng lao động, tạo giá trị gia tăng nhờ sản xuất quy mô lớn sang việc tích tụ và khai thác tri thức, tập trung vào việc thiết kế và thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, biên lợi nhuận cao thì trong thời kỳ SMAC, những cụm từ như “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế nền tảng”, “kinh tế trải nghiệm”, hay “kinh tế thành viên” lại xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng và được giới chuyên gia kinh tế cũng như doanh chủ đề cập đến như các hình thái mới nổi và đột phá của nền kinh tế kỹ thuật số.
Mới đây nhất các học giả của trường Kinh doanh Harvard đã nhắc đến một khái niệm mới: “nền kinh tế trung tâm”. Vậy nền kinh tế trung tâm thực sự là gì? Căn nguyên của nó là gì? Vì sao nó thắng thế và Việt Nam có nền kinh tế trung tâm hay không?. Phần dưới đây có lẽ sẽ lý giải phần nào cho các câu hỏi này.
1. Nền kinh kế trung tâm – Người thắng giành được tất (The Winner takes it all)
Hãy tạm hiểu thế này: nền kinh tế trung tâm là nền kinh tế trong đó: “Người thắng cuộc giành hết phần”, tức là chỉ một số ít doanh nghiệp, thường là các siêu cường công nghệ sẽ chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường ở các ngành khác nhau.
Có thể kể đến Google trong mảng tìm kiếm, Facebook và Tiktok đối với mạng xã hội, Amazon và Alibaba trong mảng thương mại điện tử, Airbnb trong mảng căn hộ cho thuê ngắn hạn, v.v.
Mặc dù tạo ra rất nhiều giá trị vượt trội cho người dùng cuối, họ, những siêu cường công nghệ này cũng đang chiếm phần thị trường quá lớn so với các công ty khác và ngày một bành trướng hơn.
Đây được xem như một hình thái độc quyền mới của thời đại số, khi chỉ một vài doanh nghiệp ở các ngành khác nhau vận hành với tư cách người thiết lập nền tảng, hệ sinh thái cho các nhóm đối tác khác nhau tham gia vào. Họ ở vị trí trung tâm là người sở hữu dữ liệu người dùng cuối, sở hữu trải nghiệm khách hàng toàn trình (end to end), tích tụ ngày càng nhiều dữ liệu khi quy mô của nền tảng/hệ sinh thái mà họ làm chủ ngày càng phình to ra nhờ hiệu ứng mạng lưới.
2. Các doanh nghiệp trung tâm – Kiểm soát nền kinh tế bằng vũ khí nào?
Trong nền kinh tế truyền thống, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau bằng hai chiến lược cơ bản: giá thành sản phẩm thấp hơn và khác biệt hóa nhờ thêm vào sản phẩm của mình một số tính năng riêng biệt mà đối thủ không bắt chước được.
Các doanh nghiệp trung tâm thì không làm như vậy, họ sử dụng các tài sản dựa trên mạng lưới đã đạt được quy mô trong một ngành rồi sau đó sử dụng chúng để thâm nhập vào một ngành khác và định hình lại cơ cấu cạnh tranh của cả một ngành, dịch chuyển từ mô hình thúc đẩy-bởi-sản phẩm sang mô hình thúc đẩy-bởi-mạng lưới.
Thực vậy sau khi đạt được “khối lượng tới hạn” hay có hiệu ứng mạng lưới đủ mạnh, các doanh nghiệp trung tâm, thường là các siêu nền tảng sẽ lấn sân sang các ngành lân cận thay vì chỉ tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi ban đầu của họ. Grab hay Uber không dừng lại ở dịch vụ cốt lõi ban đầu: vận chuyển hành khách theo nhu cầu mà đã ngày càng mở rộng dải dịch vụ để cung cấp cho tập khách hàng của họ: dịch vụ giao hàng, đồ ăn, và cả dịch vụ tài chính cá nhân.
Airbnb thậm chí còn tính đến việc phát triển một nền tảng giống như Netflix nhưng chuyên streaming các nội dung về du lịch. Amazon từ lâu đã trở thành một doanh nghiệp bán tất cả mọi thứ trên mạng, chưa kể việc họ vẫn đang chiếm thế thượng phong về dịch vụ đám mây trước các ông lớn như Microsoft, IBM.
Ant Financial của Alibaba sở hữu dữ liệu khổng lồ về hành vi mua sắm và sức khỏe tài chính của người dùng, cộng thêm loại trải nghiệm 3-1-0 mà không đối thủ nào sánh được đã có thể phổ thông hóa các dịch vụ tài chính truyền thống và tái cơ cấu một bộ phận của ngành tài chính ở Trung Quốc xung quanh nền tảng Ant Financial.
Tương tự những công ty như Google, nhờ sở hữu lợi thế dữ liệu khi nhiều công nghệ như công nghệ bản đồ số, công nghệ tìm kiếm, trí tuệ nhân tạo,.. đã đạt được quy mô nhờ hàng tỷ người sử dụng di động và hàng triệu nhà quảng cáo, sẽ có thể định hình lại ngành công nghiệp ô tô, một ngành đã tồn tại cả thế kỷ và Google chính là một kẻ ngoại đạo
Các doanh nghiệp dẫn dắt nền trung tâm này, hay những “phú ông” về dữ liệu trong thời đại số còn áp dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo và máy học nhằm thao túng hành vi của khách hàng, người dùng.
Chỉ với vài chục nút “like” của người dùng, Facebook đã có thể hiểu bạn hơn chính bạn đời của bạn. Amazon tiên phong với các thuật toán khuyến nghị (recommendation) dựa vào dữ liệu liên quan đến lịch sử và thói quen mua sắm của khách hàng, chính những khuyến nghị dựa trên dữ liệu này có thể sẽ quyết định việc bạn sẽ cho món hàng nào vào giỏ hàng của bạn.
Tương tự, khi nghe nhạc trên nền tảng Spotify, bạn sẽ không phải là người chọn nhạc mà Spotify sẽ chọn sẵn danh mục phát nhạc được may đo riêng cho bạn, dựa trên hành vi và sở thích của bạn.
80% lựa chọn phim của người dùng trên nền tảng của Netflix là do…các thuật toán khuyến nghị của Netflix quyết định chứ không phải do người dùng tự chọn. Người dùng, một cách vô thức đã trở thành “con nghiện” nội dung giải trí trên Netflix, Spotify, Youtube hay Tiktok và góp phần lôi kéo thêm nhiều người dùng mới cũng như giúp duy trì dòng tiền chảy vào các nền tảng này.
Xu hướng nền kinh tế trung tâm sẽ còn lan rộng ra nhiều ngành công nghiệp, các doanh nghiệp trung tâm vận hành như một loại hố đen hút hết người dùng và dữ liệu vào nó, quyền lực và giá trị của các doanh nghiệp này cứ tiếp tục được gia tăng, củng cố, bồi đắp theo vòng xoắn trôn ốc.
Hãy cùng nhìn sâu hơn vào bánh đà tăng trưởng của Amazon để thấy hiệu ứng mạng lưới kết hợp với dữ liệu sẽ tạo ra sức mạnh khủng khiếp cho các mô hình siêu nền tảng như thế nào!
Bí mật đằng sau sự phát triển thần tốc của Amazon chính là một bánh đà tăng trưởng mà Zeff Bezos và cộng sự đã chế tác ra như một phép thuật.
Nghe có vẻ huyền bí nhưng nó đơn giản thế này thôi: đầu tiên Amazon thiết kế một trang web rất mạnh về UX/UI, phong phú về sản phẩm và sử dụng nhiều chiêu để thu hút một lưu lượng (traffic) khổng lồ ghé thăm trang web bán hàng của họ. Lưu lượng truy cập càng tăng thì nhờ hiệu ứng mạng lưới chéo sẽ càng có nhiều người bán (sellers) muốn bán trên nền tảng của Amazon và cùng tạo ra danh mục sản phẩm vô cùng đồ sộ cho khách hàng lựa chọn (Selection).
Tăng trưởng lưu lượng ở cả hai phía người mua và người bán tất nhiên làm tăng tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên Amazon, dẫn đến giảm cơ cấu chi phí và giá thành sản phẩm. Hàng hóa phong phú để lựa chọn cùng với giá thành thích hợp là hai yếu tố quan trọng làm gia tăng trải nghiệm khách hàng, lúc này như một con quay được tiếp đà, trải nghiệm khách hàng tốt lại góp phần bổ sung thêm nhiều lưu lượng truy cập vào nền tảng Amazon.
Bên cạnh đó, mức độ tăng trưởng cao của nền tảng cũng cho phép Amazon có nguồn lực tài chính để đầu tư vào việc tối ưu hóa vận hành toàn bộ chuỗi cung ứng, nhờ đó rút ngắn thời gian giao hàng, giảm sai sót giao hàng, dẫn đến gia tăng trải nghiệm khách hàng. Đến đây chúng ta đã hình dung được một nền tảng như Amazon tự tạo ra được bánh đà tăng trưởng cho chính nó như thế nào: hiệu ứng mạng lưới mạnh và trải nghiệm khách hàng xuất sắc sẽ khiến cho bánh đà tự quay.
3. 3 Nguyên tắc của nền kinh tế trung tâm tạo ra hiệu ứng domino kỹ thuật số
Một khi nền kinh tế trung tâm được tạo ra và vận hành trơn tru thì sẽ xuất hiện hiệu ứng domino theo đó các mô hình “trung tâm” thu hút hầu hết người dùng về nó, liên tục mở rộng kết nối và gia tăng tính kết nối cũng như tầm ảnh hưởng của nó sang các ngành lân cận.
Hiệu ứng domino này, theo các chuyên gia của Harvard, được cấu thành từ ba nguyên tắc chính.
Nguyên tắc thứ nhất liên quan đến Định luật Moore (năng lực tính toán của máy tính tăng gấp đôi sau mỗi hai năm và giá thành của máy tính cũng giảm nhanh theo thời gian) khiến cho hoạt động của con người ngày càng bị thay thế bởi các công cụ kỹ thuật số. Những tiến bộ gần đây của điện toán đám mây, của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt liên quan đến các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) chắc chắn là hệ quả của định luật Moore, và nó đang len lỏi vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, đe dọa vai trò của lực lượng lao động trong nhiều ngành.
Nguyên tắc thứ hai là về kết nối và gắn với một định luật khác, được gọi là định luật Metcalfe, theo đó giá trị của mạng lưới tăng lên theo số lượng điểm kết nối trong mạng lưới, trong nhiều trường hợp đó chính là số lượng người dùng. Chúng ta đã thấy trong ví dụ về sàn thương mại điện tử của Amazon, càng nhiều truy cập vào Amazon để tìm kiếm và mua bán hàng hóa cho các nhu cầu khác nhau của họ thì chất lượng hàng hóa, các dịch vụ đi theo như đóng gói, vận chuyển và trải nghiệm của người dùng/khách hàng sẽ càng gia tăng.
Nguyên tắc thứ ba liên quan đến các vòng phản hồi tích cực được hình thành một cách tự nhiên khi một số nút trong mạng lưới được sử dụng nhiều hơn, chúng sẽ càng trở nên quan trọng và thu hút thêm các thành phần kết nối.
Khi các mạng lưới kỹ thuật số sở hữu ngày càng nhiều các giao dịch kinh tế, sức mạnh kinh tế của các trung tâm mạng, nơi kết nối người tiêu dùng, các ngành và các doanh nghiệp sẽ được mở rộng. Những nền tảng kinh doanh hay một trung tâm có tính kết nối cao, đang thu lợi nhuận khi quy mô của nền tảng ngày một phình to hơn thì nó sẽ có lợi thế để nhảy vào một lĩnh vực mới.
Ví dụ các nền tảng gọi xe khi đạt đến quy mô nào đó sẽ bắt đầu các dịch vụ gọi đồ ăn, các mạng viễn thông di động trở thành nền tảng giải trí hoặc thậm chí nhảy vào lĩnh vực tài chính hoặc xe hơi.
Ba nguyên tắc nói trên cùng kết hợp và tạo ra hiệu ứng domino kỹ thuật số, dẫn đến hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” trong nền kinh tế số, có nghĩa là khách hàng, doanh thu, lợi nhuận và dữ liệu cứ dồn vào các nền tảng hay hệ sinh thái giữ vai trò trung tâm ở mỗi ngành. Đó là lý do chúng ta chứng kiến thị trường âm nhạc nghiêng về Apple, Google, Spotify, mạng xã hội xoay quanh facebook, tiktok, twitter hay nhà thông minh là sân chơi riêng của Xiaomi, Amazon, Google,..
4. Hiện tượng “Nhà giàu còn giàu hơn” trong các mô hình kinh tế dựa trên sức mạnh kết nối mạng lưới
Sức mạnh của các mô hình kinh tế trung tâm cũng liên quan đến một hiện tượng đã được nhắc đến từ lâu gọi là Rich get richer (Tạm dịch: Người giàu ngày càng giàu hơn) trong lĩnh vực khoa học về mạng lưới, theo đó một số nút trong mạng lưới có xu hướng thu hút ngày càng nhiều kết nối hơn về mình nhờ vào số lượng kết nối sẵn có của nó.
Hiệu ứng này, còn được gọi là “gắn kết ưa thích”, cũng giải thích vì sao các phân phối tài sản trên thế giới, quy mô các trận động đất hay số lượng kết nối trong một mạng máy tính không tuân theo phân bổ hình chuông như thường thấy mà theo luật sức mạnh – tập trung vào một số nút nhất định trong mạng lưới.
Nếu xem tất các doanh nghiệp trong cùng một ngành như các nút trong một mạng lưới thì việc một số doanh nghiệp có liên kết mạnh nhờ tạo được “sức hút” lớn với khách hàng, người dùng, tạo ra bánh đà tăng trưởng cho mình, luôn được tiếp thêm đà quay bằng sản phẩm, trải nghiệm vượt trội và dữ liệu và liên tục thu hút thêm được khách hàng, người dùng chính là minh chứng cho hiệu ứng “Rich get richer” trong thời đại số.
5. Nền kinh tế trung tâm đã xuất hiện ở Việt Nam chưa và xu thế là gì?
Nếu xét về các yếu tố cấu thành hay những đặc điểm chủ đạo của nền kinh tế trung tâm kỹ thuật số, có thể thấy rõ rằng nền kinh tế trung tâm đã và đang xuất hiện ở Việt Nam nhưng chúng ta hay các doanh nghiệp Việt vẫn chỉ là những người tham gia, thụ hưởng thay vì là người xây dựng và tạo ra các nền tảng/hệ sinh thái trung tâm của riêng mình. Lấy ví dụ về lĩnh vực bán lẻ, các sàn thương mại điện tử thu hút lưu lượng và giao dịch chính là Shopee, Lazada,
Taobao, Tiktokshop đều có nguồn gốc từ nước ngoài trong khi các sàn thương mại nội địa ngày càng thất thế.
Ngoài các lĩnh vực đặc thù như hàng không, điện lực, xăng dầu nơi việc duy trì độc quyền là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia thì ở các lĩnh vực khác như ngân hàng, may mặc, đồ uống… thị trường khá phân mảnh hoặc nếu dồn vào một số người chơi chính thì lợi thế tạo ra lại không đến từ các định luật Moore, Metcalfe hay từ các vòng phản hồi tích cực tự nhiên như mô tả ở trên.
Một vài lĩnh vực đã manh nha hình thành các mô hình kinh tế trung tâm như trung gian thanh toán (là cuộc chơi giữa hai người chơi chính Vnpay và Naspas).
Trong lĩnh vực gọi xe nếu Be, và sắp tới là GSM của Vinfast chiếm được ưu thế so với Grab thì các ứng dụng này sẽ tận dụng được những ưu thế của nền kinh tế trung tâm và thu hút, tập trung được ngày càng nhiều người dùng, dữ liệu về mình, ngày càng mở rộng hệ sinh thái dịch vụ cung cấp cho người dùng cuối.
Lĩnh vực mạng xã hội nơi các các đặc điểm của nền kinh tế trung tâm được thể hiện rõ nét nhất đã chứng kiến sự thất bại của các nền tảng nội địa. Đây là điều đáng tiếc vì trong một nền kinh tế số mạnh, các mô hình kinh tế trung tâm ở các lĩnh vực khác nhau cần nằm trong tay các doanh nghiệp trong nước, như vậy sức mạnh kết nối sẽ càng được phát huy, các ngành khác nhau có thể cùng chia sẻ tập khách hàng, cùng khai thác dữ liệu người dùng cuối, cái thường được ví von là mỏ nhiên liệu quan trọng nhất của thời đại số nhưng cơ bản là các doanh nghiệp trong nước chưa tiếp cận và khai thác được hiệu quả.
Cả Be và GSM đều nằm trong những hệ sinh thái kinh doanh rộng lớn hơn nơi tập khách hàng, người dùng đã và đang sử dụng các sản phẩm dịch vụ cốt lõi như dịch vụ tài chính, giáo dục, bất động sản, bán lẻ… Hệ sinh thái nào có tập khách hàng càng lớn, có rổ sản phẩm, dịch vụ đa dạng nhất để bán chéo, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, có năng lực khai thác và phân tích dữ liệu người dùng mạnh mẽ sẽ có tiềm năng nhất khai thác sức mạnh của mô hình kinh tế trung tâm.
Có thể dự đoán xu hướng M&A, liên kết dọc (vertical integration) ở Việt Nam trong những năm tới sẽ diễn ra mạnh mẽ, và khách hàng, người dùng sẽ bị hút vào các hệ sinh thái đa ngành, nơi một doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái sẽ không thực sự thuộc về ngành nào: bán lẻ, tài chính, bất động sản, dịch vụ vận chuyển hay sản xuất xe hơi.
Masan, một hệ sinh thái đa ngành, với xuất phát điểm là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, dường như đang phát triển theo lộ trình này và đang tiếp tục bổ sung thêm nhiều mảnh ghép: dịch vụ viễn thông, dịch vụ phân tích dữ liệu,..vào hệ sinh thái đang không ngừng lớn mạnh của họ.
Tác giả: TS Phạm Anh Tuấn, TS Nguyễn Việt Thắng